Dự báo bất ngờ về giá dầu giữa căng thẳng leo thang tại Trung Đông  第1张 Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức khoảng 71 USD/thùng. Ảnh: Businesslive.co.za

Giá dầu thế giới liên tục lao dốc thời gian gần đây, với giá dầu Brent sụt hơn 4% trong  tuần và gần 10% trong tháng này do lo ngại về sự suy giảm nhu cầu toàn cầu và gia tăng vị thế bán khống các hợp đồng dầu mỏ trong tương lai.

Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức khoảng 71 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm về còn khoảng 68 USD/thùng. Giá dầu giảm mạnh ngay cả khi xung đột tại Trung Đông leo thang, với việc Israel tiến hành một cuộc không kích ở Beirut (Lebanon) nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch S&P Global, nói với đài CNBC: “Thật kinh ngạc khi thấy rằng… chiến tranh tại Trung Đông không làm ảnh hưởng giá dầu, đó là dó không có sự gián đoạn nào về nguồn cung nhiên liệu”.

Theo các chuyên gia thị trường, số lượng vị thế bán khống do các nhà quản lý tài sản nắm giữ trong hợp đồng tương lai dầu Brent trong 2 tuần qua đã vượt quá số lượng vị thế mua vào.

Hiện tại, kỳ vọng rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ bắt đầu nới lỏng quyết định hạn chế sản lượng tự nguyện là 2,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 12 đang làm gia tăng thêm sự lo lắng của thị trường.

Trước đó, hồi tháng 6, OPEC+ đã nhất trí kế hoạch khôi phục dần nguồn cung bắt đầu từ tháng 10, nhưng sau đó, giá dầu giảm mạnh vào tháng 9 đã khiến nhóm này hoãn kế hoạch sang tháng 12. Nếu OPEC+ thực hiện theo kế hoạch tăng sản lượng, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ được bổ sung thêm 180.000 thùng/ngày từ tháng 12/2024 đến tháng 11/2025.

Trong khi đó, tờ Financial Times hôm 26/9 đưa tin Ả Rập Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nhà lãnh đạo thực tế của OPEC - đã sẵn sàng từ bỏ mục tiêu kiềm chế nguồn cung nhằm đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng khi chuẩn bị tăng sản lượng. Giá dầu ngay lập tức giảm hơn 3% sau thông tin này.

Theo các nhà phân tích, kịch bản trên sẽ gây áp lực lên giá dầu trong ngắn hạn, thúc đẩy ý tưởng rằng Ả Rập Saudi không còn muốn từ bỏ thị phần và có đủ các lựa chọn tài chính thay thế để đối mặt với giai đoạn giá dầu thấp hơn. "Vào giữa những năm 2010, khi OPEC nhắm mục tiêu giành lại thị phần để đẩy lùi các nhà sản xuất dầu đá phiến dầu của Mỹ, giá dầu đã giảm xuống còn 30 USD/thùng", các  chuyên gia của ANZ Research lưu ý.

Theo nhà phân tích Alex Kuptsikevich của FxPro, giá dầu có thể giảm xuống mức 30 USD/thùng nhưng đây là một kịch bản rất bi quan. "Về mặt kỹ thuật, giá dầu Brent đang kiểm định ngưỡng hỗ trợ gần 70 USD" - các nhà phân tích thị trường cấp cao của FxPro cho biết.

Các chuyên gia của ANZ Research dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 65 USD/thùng vào tháng 12/2024 và duy trì từ 80-82 USD/thùng trong nửa cuối năm 2025 nếu OPEC+ dần nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

"Bất kỳ đợt phục hồi nào của giá dầu trong tương lai cũng sẽ phụ thuộc vào việc OPEC kiềm chế không tham gia vào một cuộc chiến toàn diện về thị phần. Chúng tôi không muốn chứng kiến việc Ả Rập Saudi thực thi chiến lược bơm mạnh dầu ra thị trường, nhưng giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực cho đến khi vương quốc dầu mỏ loại trừ rõ ràng điều đó" - các nhà phân tích của ANZ Research cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia tại Bernstein dự đoán rằng nếu OPEC+ bổ sung trở lại khoảng 2,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 12, thị trường có thể rơi vào tình trạng dư cung, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng và đẩy giá dầu Brent xuống mức 55 USD/thùng. Theo dự báo của các chuyên gia Bernstein, ​​giá dầu Brent sẽ giảm về mức 60 USD/thùng vào năm 2025.

Tuần tới, Ủy ban giám sát chung của Bộ trưởng OPEC+ (JMMC) sẽ họp vào ngày 4/10. JMMC không có quyền ra quyết định vì vai trò của ủy ban chỉ giới hạn ở việc đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho cuộc họp của các bộ trưởng OPEC+ dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng 12.

Theo chuyên gia Barbara Lambrecht của Commerbank Research, JMMC có thể sẽ nhấn mạnh lại rằng việc thực hiện kế hoạch tăng sản lượng phụ thuộc vào điều kiện thị trường và kêu gọi các thành viên của OPEC+ tuân thủ các mục tiêu sản xuất cũng như thực hiện cắt giảm bù trừ.