Số giảng viên đại học và cao đẳng sư phạm tăng đều trong ba năm qua, lên gần 91.300, trong đó 33% có trình độ tiến sĩ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thông tin trên tại hội nghị tổng kết năm học ngày 19/8. Tổng số giảng viên năm học qua tăng khoảng 5.300 người so với năm 2022.

Số người có học vị tiến sĩ cũng tăng, từ gần 21.200 lên gần 23.800. Tính cả số có học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư, phó giáo sư, con số này là hơn 30.100, chiếm tỷ lệ khoảng 33% so với tổng giảng viên.

Bộ đánh giá đội ngũ giảng viên "tăng cả về chất và lượng", cho thấy các trường đã ý thức được việc nâng cao chất lượng và chuẩn hóa trình độ đội ngũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải thay đổi tích cực này đến từ cơ chế tự chủ, các trường được tuyển dụng theo hướng nâng cao chất lượng.

"Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, ký hợp đồng với những giảng viên có trình độ tiến sĩ và năng lực nghiên cứu; đồng thời cơ cấu lại và giảm biên chế các vị trí viên chức, hành chính và phục vụ", Bộ nêu.

Chia sẻ tại hội nghị giáo dục đại học hôm 9/8, PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên được đi đào tạo qua đề án của Chính phủ, của địa phương và học bổng từ các trường.

Điều này giúp trường gần đây có 60-70 tiến sĩ mỗi năm, tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lần gần 47%. Riêng trường Bách khoa Đà Nẵng đạt 74,8%.

Ngoài ra, trường linh hoạt xếp lương, hỗ trợ về thu nhập tăng thêm hay nhà ở để phát triển đội ngũ giảng viên.

Dù vậy, ông Bắc cho rằng các quy định về lương còn bất cập, chưa tương xứng với vị thế và đặc thù giảng viên đại học là một trong những vướng mắc lớn, gây khó khăn khi tuyển dụng.

"Giảng viên đại học phải đạt trình độ thạc sĩ trở lên (mất khoảng 6 năm học) nhưng xếp lương thì như đại học (4 năm)", ông Bắc ví dụ.

Một số vướng mắc khác là ngân sách nhà nước cấp cho các trường giảm dần theo lộ trình tăng cường tự chủ tài chính, kinh phí hỗ trợ từ các đề án đào tạo tiến sĩ còn thấp nên chưa thu hút được giảng viên đăng ký.

Theo quy định, giảng viên đại học cần đạt trình độ thạc sĩ trở lên. Nhân sự có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư là yếu tố cần để trường đại học có thể mở ngành, chương trình đào tạo mới.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các đại học ở Anh, Mỹ hay Malaysia, Srilanca (50-75%).

Dương Tâm - Thanh Hằng