Hôm thứ Ba (ngày 25/9), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố một quỹ dự trữ trị giá 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 114 tỷ USD) nhằm mục đích thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Cụ thể, các nhà quản lý tài sản, công ty bảo hiểm và môi giới có thể vay tiền quỹ này để mua cổ phiếu. Ngoài ra, quỹ cũng hỗ trợ các công ty niêm yết vay tiền để mua lại cổ phiếu của chính mình.

Biện pháp này được Bắc Kinh ban hành nhằm ổn định thị trường tài chính và vực dậy niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán có những biến động lớn.

Liệu gói kích thích mới có giúp Trung Quốc vực dậy nền kinh tế?  第1张 Hôm thứ Ba (ngày 25/9), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố một quỹ dự trữ trị giá 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 114 tỷ USD) nhằm mục đích thúc đẩy thị trường chứng khoán. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc họp báo vào ngày thứ Ba, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Pan Gongsheng cho biết đây là lần đầu tiên cơ quan này sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ mới để hỗ trợ thị trường vốn. Ông cũng nhấn mạnh quỹ dự trữ này có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba nếu mang đến kết quả khả quan.

Ngoài ra, một ý tưởng về việc thành lập quỹ ổn định cổ phiếu cũng được đề xuất, mặc dù hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết về kế hoạch này. Các biện pháp này cho thấy những nỗ lực của PBoC nhằm vực dậy thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn đã suy giảm liên tục trong bốn năm qua.

Sau khi thông báo được đưa ra, chỉ số CSI 300, bao gồm các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến, đã tăng 4,3%, đợt tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Đồng thời, đồng Nhân dân tệ tăng 0,5% so với đồng USD, đạt mức hơn 7,01 - cao nhất trong hơn một năm. Những diễn biến này cho thấy thị trường đã có phản ứng tích cực trước các biện pháp kích thích từ PBoC.

Các chương trình cho vay hỗ trợ cổ phiếu là một phần trong loạt biện pháp kích thích mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang triển khai, bao gồm cắt giảm lãi suất chuẩn, lãi suất thế chấp và yêu cầu thanh toán trước. Những biện pháp này xuất hiện sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tuần trước, tạo điều kiện cho PBoC điều chỉnh các chính sách.

Theo Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered, "Những biện pháp này đã vượt qua kỳ vọng của thị trường". Ông cho rằng đây có thể là khởi đầu cho các biện pháp chính sách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh có nhiều ý kiến phàn nàn về phản ứng chậm trễ trong việc đưa ra các chính sách kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, ông Ding cho biết vẫn cần theo dõi mức độ tiếp nhận các chương trình này để đánh giá tác động thực sự của chúng lên thị trường. Theo ông, hiệu quả của các biện pháp phụ thuộc vào mức độ triển khai và phản ứng của thị trường tài chính và doanh nghiệp.

Jason Lui, chuyên gia tại BNP Paribas, nhấn mạnh chính sách mới tạo điều kiện cho các công ty tài chính vay từ PBoC để mua cổ phiếu bằng tài sản thế chấp như trái phiếu hoặc cổ phiếu. Ngoài ra, chương trình cho vay lại cũng cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, từ đó hỗ trợ các công ty thực hiện mua lại cổ phiếu nhằm tăng giá trị của chúng.

Theo Wu Qing, chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc, các nhà đầu tư tổ chức đã tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu từ 17% lên 22,2% vào cuối tháng 8/2023 so với năm 2019. Tuy nhiên, ông cũng cho biết lượng vốn trung và dài hạn trên thị trường vẫn chưa đủ.

Lui cho rằng chương trình này thúc đẩy các tổ chức tài chính phân bổ vốn vào cổ phiếu. Tuy nhiên, sự thành công của nó phụ thuộc vào việc các quỹ có sẵn sàng vay tiền từ PBoC hay không, khi mà họ sẽ phải chịu lỗ vốn nếu giá cổ phiếu giảm.

Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, dù gói kích thích này có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoản, nó vẫn chưa thể giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi toàn diện. Sự phục hồi thị trường sẽ phụ thuộc vào những cải thiện của nền kinh tế vĩ mô và tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp.