Góp ý của chuyên gia và bạn đọc về việc chuẩn bị tự chủ nguồn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Hình minh họa sử dụng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại buổi cung cấp thông tin của Bộ Giao thông vận tải cho các cơ quan báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào chiều 1-10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết với tinh thần độc lập, tự lập, tự cường và tự chủ, Bộ Chính trị đã quyết định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phụ thuộc vào nước ngoài.
Dự kiến đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350km/h; chiều dài khoảng 1.541km; đường đôi với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD.
Sử dụng nguồn vốn
TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) phân tích ở góc độ kinh tế và phát triển, vốn đầu tư từ tất cả các nguồn đều có tác động và vai trò như nhau bởi đây là nguồn lực của cả nền kinh tế có thể huy động được.
Vấn đề là việc sử dụng nguồn vốn ra sao, nếu lợi ích ròng tổng thể cho toàn nền kinh tế dương thì nên làm. Ngược lại, nếu âm (chi phí cao hơn lợi ích có được) thì cần cân nhắc.
Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỉ USD, không phụ thuộc vốn vay nước ngoàiĐỌC NGAY
Thực tế việc gánh nặng nợ công không phải là vấn đề quan ngại trong tình huống này mà vấn đề là hiệu quả của dự án cần làm rõ thêm để có phương án chuẩn bị phù hợp.
"Về mức giá vé dự kiến tính trên chặng Hà Nội - TP.HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.
Nhiều người đặt vấn đề rằng mức giá vé này có đủ sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác như xe khách (chặng ngắn), máy bay (chặng dài)?
Đó là thách thức, kết quả phân tích cho thấy những người muốn tiết kiệm tiền và có nhiều thời gian thì họ sẽ chọn xe khách. Trái lại thì họ sẽ chọn máy bay vì với mức giá trên cạnh tranh với các phương thức khác là khó", TS Du chia sẻ.
Việt Nam cần lưu ý hai vấn đề trong quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Thứ nhất, chúng ta phải đảm bảo chi phí vừa phải với chất lượng cao nhất có thể. Về công nghệ và năng lực của các nhà thầu quốc tế là có thể xây được đường sắt tốc độ cao với chất lượng cao, nhanh và giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, từ phía Việt Nam cần quản lý và giám sát chặt chẽ.
Thứ hai, vấn đề khai thác hiệu quả việc phát triển những khu vực xung quanh, kết nối thuận tiện đến các đầu mối giao thông và các nhà ga cũng nên tập trung đầu tư từ bây giờ.
Khai thác quỹ đất xung quanh tạo nguồn vốn
Trên Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm bắt tay triển khai thực hiện. "Vậy là ước mơ di chuyển Bắc - Nam trong ngày đã sắp thành hiện thực", bạn đọc Vân Nguyễn bày tỏ.
Bạn đọc Nam Nguyễn Để cho rằng để đảm bảo phương án tài chính, nước ta cần tuân thủ nguyên tắc đất tại các khu vực ga và dọc tuyến gần ga (trong bán kính 1 tối thiểu 500m từ ranh giới nhà ga và công trình lõi thuộc nhà ga, và bán kính 2 là 1.000m).
Những khu vực này phải để dành đấu giá lấy tiền đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Đồng thời Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt các vị trí chính xác và thiết kế chi tiết của nhà ga, cũng như các công trình tổ hợp xung quanh nhà ga, xác định khu vực đất hoặc công trình thuộc phạm vi đấu giá, chia ra các gói đấu giá để thu tiền.
Ở từng vị trí dự kiến xây dựng đảm bảo điều kiện thẩm mỹ và ngôn ngữ kiến trúc phù hợp với các nhà ga và địa phương.
Còn bạn đọc Vũ Bình khẳng định độc lập và tự chủ là điều quan trọng nhất khi đưa ra quyết định đầu tư dự án này.
"Chúng ta có thể chọn phương án ngân sách nhà nước đầu tư đường và một số đoàn tàu chạy vào một vài khung giờ nhất định. Phần còn lại huy động các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư đoàn tàu để khai thác thông qua đấu thầu.
Đây là dự án lớn nhưng không thể kéo dài thời gian đầu tư. Vì vậy dù là chọn phương án công nghệ nào, hình thức đầu tư, lộ trình, các giai đoạn thế nào cũng cần phải công bố công khai để huy động hết mọi nguồn lực trong nước cùng tham gia, tiết kiệm ngoại tệ đến mức tối đa cho đất nước", bạn đọc Vũ Bình chia sẻ.
Đăng thảo luận