YênBái - Tại nhiều địa phương của huyện Mù Cang Chải, ngay từ cuối tháng 10/2024, sau khi thu hoạch vụ hè thu, nhân dân các thôn, bản đã tích cực thu gom rơm rạ, chuẩn bị cỏ voi, lấy thân cây ngô về ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò.
Người dân xã Chế Cu Nha chuẩn bị đủ thức ăn và che chắn chuồng trại cho gia súc.
>> Mù Cang Chải không chủ quan với giá lạnh đối với đàn vật nuôi
>> Mù Cang Chải chủ động bảo vệ vật nuôi trong mùa rét
Mùa đông hằng năm, huyện vùng cao Mù Cang Chải là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất của rét đậm, rét hại kéo dài, một số nơi xuất hiện băng giá khiến nhiều gia súc bị chết rét, chết đói. Để bảo vệ đàn gia súc mùa đông năm nay, địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.Nâng cao hiệu quả công tác này ngay từ đầu mùa đông, các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống đói, rét cho các chủ hộ chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi phương thức chăn thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát.
Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống rét cho trâu, bò từ đầu mùa rét; phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền hộ chăn nuôi cách chăm sóc và bảo vệ đàn trâu, bò; phân công thú y viên xuống từng thôn bản, nhà dân hướng dẫn cách chăm sóc trâu, bò đúng cách khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Ông Lường Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết gây ra trong mùa đông năm nay, ngay từ đầu tháng 10/2024, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc; vận động nhân dân sửa chữa, che chắn chuồng trại, bảo đảm vệ sinh và phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; tuyên truyền người dân không thả rông gia súc khi trời giá rét; tăng cường trồng các loại cây xanh như cỏ voi, gieo ngô dày, tận dụng triệt để sản phẩm phụ rơm rạ, thân cây ngô, cỏ phơi khô hoặc chế biến ủ chua dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò”.
Tại nhiều địa phương của huyện Mù Cang Chải, ngay từ cuối tháng 10/2024, sau khi thu hoạch vụ hè thu, nhân dân các thôn, bản đã tích cực thu gom rơm rạ, chuẩn bị cỏ voi, lấy thân cây ngô về ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò.
Chị Lý Thị Sang ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi 5 con trâu. Năm nào cũng vậy, cứ gặt xong là tôi huy động các thành viên trong gia đình đi thu gom rơm rạ về phơi khô dự trữ làm thức ăn cho đàn trâu. Gia đình tôi còn trồng sẵn cỏ voi, dự trữ cám ngô, gạo để bổ sung thêm thức ăn tinh cho trâu khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp nhất rồi vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, không bị đọng nước”.
Còn ông Khang A Lênh ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha giãi bày: "Đợt rét đầu năm 2022 đã làm cho gia đình tôi thiệt hại 1 con trâu nghé, trị giá trên 10 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, vào mùa đông năm ngoái và năm nay, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền xã, thôn, bản, gia đình tôi không chủ quan thả rông trâu, bò như trước mà chủ động sửa chữa chuồng trại, lấy bạt che chắn, vệ sinh chuồng trại khô ráo để giữ ấm cho trâu, bò; đưa trâu, bò về nuôi nhốt trong những ngày giá rét; chuẩn bị bột ngô, sắn để nấu thêm cháo cho trâu, bò khi trời lạnh giá”.
Đoàn công tác của huyện Mù Cang Chải vừa qua đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc của người dân trên địa bàn một số xã như Nậm Có, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn... Qau kiểm tra cho thấy, phần lớn các chuồng trại đều đã được người dân chủ động quây bạt che chắn kỹ. Người dân cũng thu gom rơm, rạ tích trữ làm thức ăn qua đông cho gia súc. Khi phát hiện bất cập trong công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục ngay.
Đồng thời, đoàn công tác cũng chỉ đạo UBND các xã, đội ngũ khuyến nông viên, thú y viên thường xuyên theo dõi, giám sát dịch bệnh; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc… Đáng mừng là vài năm trở lại đây, việc chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc đã dần trở thành nếp. Vì vậy, theo từng năm, số gia súc bị chết rét ngày càng giảm.
Ông Tô Văn Học - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho hay: "Nậm Có là một trong những xã có địa bàn rộng, đông dân cư, có hơn 1.100 hộ đang chăn nuôi trâu, bò. Tổng đàn gia súc chính của xã có trên 11.000 con, trong đó đàn trâu, bò trên 5.000 con. Phần lớn các hộ chăn nuôi ở các bản Lùng Cúng, Làng Giàng, Tu San, Thào Xa Chải... vẫn chăn thả tự nhiên trên bãi ở các triền đồi núi cao nên có nguy cơ chết khi xảy ra rét đậm, rét hại. Bởi vậy, bước vào đầu mùa đông, địa phương đã triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đến toàn thể cán bộ, đảng viên; vận động nhân dân chủ động làm mới, tu sửa, che chắn chuồng trại; chuẩn bị rơm rạ, cỏ làm thức ăn, bảo đảm cho đàn vật nuôi được an toàn trong mùa đông, nhất là khi thời tiết có băng giá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về vật nuôi”.
Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Với phương châm không để người dân, chính quyền thôn, bản "quên” hay lơ là nhiệm vụ phòng, chống đói, rét cho gia súc, trước khi mùa đông về, huyện đã có văn bản chỉ đạo cụ thể về vấn đề này. Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của huyện, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch để triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn. Sau khi xây dựng xong kế hoạch, các địa phương đã triển khai đến từng thôn, bản để cho bà con nắm được; chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ; không được thả rông gia súc ra ngoài.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh”. Chủ động phòng, chống đói, rét sớm cho đàn gia súc, đến nay đa số các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã dự trữ đủ lượng thức ăn, bảo đảm chuồng trại đủ ấm, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do đói, rét gây ra.
6 tháng đầu năm 2024, huyện Mù Cang Chải tổ chức 5 đợt tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc gia súc, gia cầm; phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được 20.966 liều. Cụ thể: vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 2.053 liều; lở mồm long móng trâu, bò 500 liều; lở mồm long móng dê 150 liều; vắc xin đa giá lợn 14.182 liều; Newcactle gà 1.600 liều; tụ huyết trùng gia cầm 2.000 liều; dại chó 481 liều.
Quang Thiều
Tags Mù Cang Chải gia súc gia cầm phòng chống rét vùng cao ruộng bậc thang
Đăng thảo luận