Người trẻ nên có đam mê, cầu thị, sáng tạo, tò mò và trách nhiệm nếu muốn theo đuổi ngành trí tuệ nhân tạo, PGS. TS. Đinh Ngọc Minh chia sẻ tại chương trình Nghề tương lai.
Ông Đinh Ngọc Minh là Phó trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật & Công nghệ kiêm Chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo, Đại học RMIT Việt Nam. Trong số thứ tư của Nghề tương lai, ông đưa ra nhiều quan điểm mang tính thực tiễn về ngành học cũng như các vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực AI.
TS. Minh nhận định, trí tuệ nhân tạo không phải "xu hướng nhất thời". Công nghệ này đã có gần một thế kỷ phát triển với nhiều thăng trầm. Trên hành trình đó, nhiều giai đoạn AI ít được quan tâm và nhắc đến, gọi là "mùa đông AI". Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo vẫn là ngành "nóng" trong những năm tiếp theo, giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội hơn, đặc biệt là về phát triển bền vững.
"Thị trường này sẽ không bão hòa trong thời gian tới. Tuy mọi người nhắc tới rất nhiều nhưng chúng ta chưa có nhiều chuyên gia hay người có khả năng làm cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề xã hội. Thị trường mới chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu thực sự", ông nhấn mạnh.
PGS. TS. Đinh Ngọc Minh - Phó trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật & Công nghệ kiêm Chủ nhiệm Cấp cao chương trình Thạc sĩ Trí tuệ Nhân tạo, trường Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: Hội An
Theo đó, tiềm năng cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành học này rất lớn. Trả lời câu hỏi về tố chất nên có ở người học trí tuệ nhân tạo, PGS. TS. Đinh Ngọc Minh đưa ra năm yếu tố: đam mê, sự cầu thị, tư duy sáng tạo, tò mò và tinh thần trách nhiệm.
Theo ông, AI không thể thay thế con người hoàn toàn, ít nhất là trong tương lai gần. Thế nhưng, công nghệ này có khả năng học và lặp lại những con người có thể làm. Do đó, những tố chất "không thể học được" sẽ giúp các bạn trẻ chinh phục ngành nghề này hay bất kỳ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống.
Đầu tiên là sự đam mê. Đây là động lực để mỗi người có thể duy trì việc học và sự nghiệp của mình trong nhiều năm. AI có khả năng làm việc với khối dữ liệu lớn nhưng những dữ liệu này chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể, do đó, không có định nghĩa công nghệ này thích hay không thích điều gì. AI chỉ được chỉ định làm tốt một vấn đề cụ thể. Vì vậy, sự đam mê sẽ giúp con người tạo nên điều khác biệt.
Thứ hai, người học và làm nghề nên có sự cầu thị, yếu tố giúp con người phát triển tốt hơn dựa trên đam mê. Để phát triển khi AI ngày càng hiện đại, con người phải có nhưng bài toán mới, đưa ra thuật ngữ hoặc khối dữ liệu mới. Hiện, một số phương pháp giúp AI có thể tự học, tìm khối lượng dữ liệu lớn trên mạng. Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn do con người xác định và xây dựng qua quá trình "đào tạo" AI.
Sinh viên RMIT tại cơ sở Nam Sài Gòn. Ảnh: RMIT Việt Nam
Thứ ba, ông Minh nhấn mạnh về sự sáng tạo. Trong thời gian gần đây, nhiều người nghĩ công nghệ này có thể sáng tạo nội dung thay con người. Trái với nhận định đó, PGS. TS. Minh phân tích, AI chỉ đang đưa ra kết quả dựa trên nội dung con người cung cấp, tức những gì công nghệ này mang đến có thể sắc sảo, thông minh nhưng điều hoàn toàn gói gọn trong khối dữ liệu con người đã giao.
"Với tố chất sáng tạo, con người có thể đưa ra phạm trù mới", ông nói thêm.
Vị chuyên gia cũng đề cập đến sự tò mò để có tinh thần học tập liên tục. Theo ông, con người thành công trong việc phát triển bản thân và thế giới dựa trên nền tảng của việc tự đặt ra câu hỏi về mọi thứ xung quanh, từ đó, tạo tiền đề cho những khám phá sâu rộng. AI có thể tự học, tìm, lọc thông tin, tức cho người dùng có cái nhìn sâu hơn trong khối dữ liệu khổng lồ, nhưng đó không phải sự tò mò.
"AI rất giỏi trong việc trả lời nhưng mà không giỏi trong việc đặt câu hỏi. Đó là điều chúng ta làm nên sự khác biệt", ông khẳng định.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Đinh Ngọc Minh đề cao tinh thần trách nhiệm. Hiện, Chính phủ hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến yếu tố này ở AI. Các quy trình, tiêu chuẩn xây dựng hiện nay mới chỉ hướng tới yêu cầu làm việc có trách nhiệm, không phải tố chất.
Điều ông muốn nhắc tới là trách nhiệm của con người. Khi đưa ra quyết định, dù vô tình hay cố ý, con người đều có ý thức về hậu quả. Trong khi đó, AI chỉ có thể đưa ra kết quả mang tính chất thông minh hoặc có lý chí.
PGS. TS. Đinh Ngọc Minh chia sẻ tại chương trình Nghề tương lai. Ảnh: Hội An
Ngoài tố chất để theo đuổi AI, PGS. TS. Đinh Ngọc Minh còn chia sẻ về tiềm năng, phân tích kỹ các vị trí công việc... Qua đó, người nghe có thể hiểu bản chất công việc, mức thu nhập trước khi quyết định theo các ngành học thuộc lĩnh vực này. PGS. TS. Đinh Ngọc Minh tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của Đại học Monash, Australia. Sau đó, ông cũng công tác ở nhiều vị trí tại Đại học Monash, Đại học Queensland và Quỹ Cơ sở hạ tầng Mạng Queensland - Australia.
Chuyên môn nghiên cứu của ông là khoa học tính toán, máy tính hiệu suất cao và trí tuệ nhân tạo, tập trung chuyên sâu vào các phương pháp xác minh thời gian chạy và kỹ thuật máy học để hỗ trợ các mô phỏng khoa học ở quy mô cao. Hiện, ông đang công tác tại Đại học RMIT.
Nhật Lệ
Chuỗi podcast "Nghề tương lai" do VnExpress sản xuất nhằm giúp phụ huynh và các bạn trẻ có góc nhìn đa chiều về ngành nghề và nắm bắt xu hướng việc làm, phát sóng trên báo điện tử VnExpress và fanpage VnExpress.net.
Mỗi số sẽ khai thác một ngành nghề được dự đoán phát triển mạnh mẽ trong tương lai như: vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thiết kế game, phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin...
Trong các số tiếp theo, chương trình tiếp tục dựa trên xu hướng thị trường và ý kiến của độc giả để phát triển chương trình, khai thác đa dạng từ ngành nghề truyền thống đến công việc mới xuất hiện.
Độc giả để lại thắc mắc tại bình luận để được giải đáp trong các số tiếp theo.
Đăng thảo luận
2024-12-10 17:24:57 · 来自106.82.59.149回复
2024-12-10 17:34:50 · 来自182.91.164.190回复
2024-12-10 17:55:07 · 来自182.91.11.212回复