Trong khuôn viên vài trăm mét vuông ở khu dân cư phường Trung Sơn Trầm, Sơn Tây, Hà Nội, có hơn mười công nhân đang miệt mài làm việc. Đích thân giám đốc là nghệ nhân Vinh Coba tiếp tôi, giới thiệu những sản phẩm khắc vẽ trên kính màu nghệ thuật đa dạng, đa sắc… được bày trên kệ gỗ.
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh là nhà sáng nghiệp tranh kính. Nhắc đến tranh kính nghệ thuật, người ta nghĩ ngay đến ông Phạm Hồng Vinh hay còn gọi là Vinh Coba.
Vinh Coba và tác phẩm của mình
THĂNG TRẦM THƯƠNG TRƯỜNG
Tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân, Vinh Coba làm chuyên viên trọng tài kinh tế nhà nước tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Thời gian sau do hoàn cảnh kinh tế gia đình, thêm nữa là máu thương trường nổi lên, Vinh Coba xin nghỉ chế độ 76/CP để ra làm ngoài.
Mới đầu chỉ là vẽ đề can rồi thành lập hợp tác xã gốm. Sau Giải phóng miền Nam năm 1975, cuộc sống người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu trong công nghệ, hàng hoá sinh hoạt tiêu dùng. Vinh Coba không chịu ngồi yên, anh nghĩ mình phải tìm ra hướng đi mới, hướng làm giàu cho gia đình, cho xã hội.
Giấy chứng nhận giải thưởng Achimed
Nói về chặng khởi nghiệp đầy khó khăn, gian nan, vất vả của mình, Vinh nói: “Tôi luôn xác định thương trường là chiến trường, chấp nhận rủi ro và thất bại”. Thời gian đầu anh vẽ đề can hoa hồng bán cho vài cơ sở gốm thủ công để họ in trên tách, chén, ấm. Sau, anh thành lập luôn hợp tác xã gốm sản xuất gạch lát nhà vệ sinh loại 10x10 bán trên thị trường.
Đang tiêu thụ đều thì cửa khẩu Việt Trung ồ ạt hàng Trung Quốc tràn vào, trong đó có gạch men các loại. Không chịu bó tay, anh chuyển sang làm kính mài. Quãng năm 1985 - 1990, loại kính mài có chùm nho, bông hoa chìm trên kính để lắp tủ li, tủ quần áo rất thịnh hành. Xưởng của Vinh Coba sản xuất đến đâu bán hết đến đó, nhưng chỉ được một thời gian lại sập tiệm.
HAI LẦN PHÁ SẢN
Là người dám nghĩ, dám làm, luôn đi trước công nghệ, năm 1988, Vinh Coba ký hợp đồng với Bộ Điện và Than làm sứ điện trên lò tuy nen. Thời kỳ này, Việt Nam vẫn còn đang bị cấm vận, lò tuy nen nước ngoài không vào được đến Việt Nam. Vinh Coba và nghệ nhân có bàn tay vàng Bùi Văn Phú hợp tác làm lò tuy nen thủ công tại HTX gốm sứ Tây Mỗ - Từ Liêm nhưng không thành công. Lò gốm bị nổ, hợp đồng thanh lý với số tiền hơn một tỷ năm 1988 là rất lớn. Vinh Coba vét hết tài sản rồi vay mượn thanh lý hợp đồng để tránh bị đi tù.
Sau vụ đó anh khánh kiệt đến nỗi phải đi bán bún bò giò heo, còn vợ làm thúng xôi bán buổi sáng. Anh ngậm ngùi kể: “Lúc ấy ba cháu nhỏ đi học không có tiền đóng học phí nên chúng tôi còn phải khất với cô giáo chủ nhiệm.” Là người năng động, có đầu óc sáng tạo, có kiến thức khoa học, Vinh Coba tiếp tục trăn trở, suy nghĩ hằng đêm: “Mình sinh ra không phải để bán bún bò giò heo”.
Thế là anh lại tìm hướng đi mới, vay mượn bạn bè, cầm cố nhà cửa lấy vốn tiếp tục con đường thương trường. Vinh Coba bắt đầu nghiên cứu công nghệ làm ra máy phun cát trên kính mờ bán cho các đại lý trong Nam ngoài Bắc. Sản phẩm dùng trong xây dựng, cho các công trình nhà ở, vách ngăn nhà vệ sinh. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Để có đủ kính trắng làm sản phẩm kính mờ qua công nghệ phun cát, Vinh Coba là một trong 13 đại lý ký hợp đồng với nhà máy kính Đáp Cầu, mỗi đợt đều chuyển về kho hàng 100 kiện kính. Hoạt động kinh doanh đang thuận buồm xuôi gió, đột nhiên khách hàng vắng hẳn, không mấy giao dịch nhập hàng nữa. Nguyên nhân lại là do hàng Trung Quốc đổ vào. Cũng loại kính mờ nhưng bán với giá thấp hơn Vinh Coba tới 30%. Thế là kho kính tồn đọng, nợ nần chồng chất. Phá sản lần hai.
SỰ RA ĐỜI CỦA TRANH KHẮC KÍNH
Với giải pháp mài gầm, mài di và phun cát để tạo hình ảnh đồ hoạ theo ý muốn, lúc đầu anh làm tranh kính khổ lớn nhất là 800x 2.000 x 8mm. Sau đó, Vinh Coba chế tạo được loại súng phun cát cầm tay để tranh kính được sản xuất dễ dàng hơn. Lúc đó không có đề can để làm tranh kính nên anh khắc mẫu lên tấm nhựa bằng mica bán trên Hàng Mã, hoặc những tấm phim chụp Xquang cũ, thậm chí có lúc dùng cả giấy dầu lợp nhà để trổ khuôn.
Sau khi phun cát xong, tranh được mài bằng dụng cụ cầm tay để xoá dấu vết ghép khuôn. Đá mài đó Vinh Coba tự chế đủ các loại kích thước và nhiều hình dạng, sau khi mài xong sẽ cho vào phun cát để xoá vết mài. Cho đến năm 1993, có người bạn ở số 6 Hàng Mành buôn đề can Hàn Quốc về Việt Nam. Thế là Vinh Coba mua.
Đến năm 1994, máy tính phổ biến ở Việt Nam, anh quyết định mua một bộ với giá 13 triệu đồng rồi tự học đồ hoạ và thiết kế mẫu trên máy tính. Sản phẩm tranh kính, gương Vinh Coba được nâng lên tầm chuyên nghiệp.
Từ chỗ chế màu bằng sơn tự pha và sơn móng tay, năm 1993, anh quen người bạn Hàn Quốc và nhờ mua sơn kính từ xứ sở Kim Chi. Từ đó việc sơn tranh kính có phần đơn giản và đẹp hơn. Vinh Coba đã có đủ công nghệ chế tạo tranh và bắt đầu đi vào lĩnh vực chinh phục hội hoạ, thể hiện trên chất liệu kính. Từ dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Chiếu, anh chinh phục cả tranh thuỷ mặc Trung Quốc, tranh trừu tượng, tranh Phục hưng, tranh truyền thần… Bất kỳ dòng tranh nào anh cũng chinh phục dễ dàng.
Mặc dù trong thời gian này, Vinh Coba chưa hề có đối thủ cạnh tranh nhưng sự đam mê lại thôi thúc anh phấn đấu tạo ra một dòng tranh mới cho đất nước. Anh bắt đầu mở đại lý bán tranh đầu tiên tại 294 Đường Láng.
Cứ như vậy, công việc làm kính nghệ thuật của Vinh Coba có hàng ngàn câu chuyện nghề, có chuyện vui, chuyện buồn, kể đến 1001 đêm không hết. Khi hỏi hiện tại doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đi những đâu, anh cho biết, xưởng anh làm không hết việc để giải quyết những hợp đồng từ trong Nam ngoài Bắc. Sản phẩm chủ yếu là phục vụ cho nhà thờ hay đền chùa sử dụng tranh kính màu nghệ thuật, ngoài ra còn đèn màu trang trí nhà hàng, khách sạn để bàn, đèn phòng ngủ với nhiều hoạ tiết, kiểu dáng, màu sắc.
Với những đóng góp to lớn trên lĩnh vực kính nghệ thuật, Vinh Coba được phong tặng danh hiệu Bàn tay vàng, thêm 3 cúp vàng, 4 huy chương vàng triển lãm quốc tế VIETTBUILD qua các kỳ triển lãm 2008 - 2010 - 2022, danh hiệu nghệ nhân văn hoá tiêu biểu ASIA 2019. Tranh kính thương hiệu Vinh Coba đạt kỷ lục quốc gia Việt Nam 2019 và giành giải thưởng trong cuộc thi sáng chế quốc tế tại Cộng hoà Liên bang Nga năm 2022. Sau khi giành được huy chương vàng danh giá Archimedes, Vinh Coba trở thành nhà sáng chế tên tuổi trên thế giới. Doanh nghiệp của anh đã đào tạo ra hàng trăm thợ tranh kính, trong đó có 5 nghệ nhân nổi tiếng được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và thành phố Hà Nội công nhận.
Xem nhiềuVăn hóa
Lại một nghệ sĩ Khu dưỡng lão Thị Nghè qua đời
Văn hóa
Nghệ sĩ Nguyễn Phan Mạnh Duy qua đời ở tuổi 35
Văn hóa
Ngôi chùa hơn 800 năm tuổi ở Phú Thọ bị cháy rụi
Văn hóa
Nhà văn Hàn Quốc thắng giải Nobel bị đồng nghiệp chỉ trích ‘đáng xấu hổ’
Văn hóa
Đăng thảo luận