Những trường đón đầu xu thế
Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn là xu thế chung của Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nhưng đến năm 2024 mới bùng nổ bởi Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trên toàn thế giới. Theo chiến lược chung của quốc gia, đến năm 2030 Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Để đáp ứng nhu cầu này, từ năm 2023, nhiều trường đại học trên cả nước đã nhanh chóng xây dựng đề án, chuẩn bị nhân lực. Đến mùa tuyển sinh năm 2024, cả nước đã có hơn 10 trường đại học mở ngành Thiết kế vi mạch - công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội... cũng đã chuẩn bị về con người, chương trình, trang thiết bị để đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn.
Giám đốc Trung tâm Cao đẳng quốc tế Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Vũ Hải Long cho hay: FPT là một trong những đơn vị cam kết phát triển ngành Công nghệ bán dẫn rất mạnh mẽ. Năm 2024, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTB&XH cho phép tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn - Semiconductor Technology, trình độ cao đẳng với 350 chỉ tiêu; hiện nay đã đủ số lượng.
Giờ học thực hành của sinh viên ngành Công nghệ bán dẫn Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: BTEC FPTChương trình đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn chuẩn quốc tế bậc cao đẳng của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic được chuyển giao từ Tổ chức Giáo dục và Khảo thí Pearson Vương quốc Anh, có thời gian đào tạo 2 năm.
Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đỗ Quốc Bình chia sẻ, về cấu trúc chương trình, nhà trường đặt ra tỷ lệ 50% lý thuyết và 50% thực hành. Vì đây là chương trình cao đẳng nhưng định hướng cho sinh viên có thể học chuyển tiếp lên đại học nên phần lý thuyết nhiều hơn một chút so với những chương trình đào tạo cao đẳng khác.
Sinh viên tốt nghiệp Công nghệ bán dẫn trình độ cao đẳng hoàn toàn có thể học tiếp ngành này trình độ đại học ở những trường đại học quốc tế chấp nhận chuẩn của Tổ chức Giáo dục và Khảo thí Pearson (sinh viên học tiếp đại học từ năm thứ ba; bỏ qua hai năm đầu vì có một số môn học lý thuyết đã được học ở trường cao đẳng).
Các em cũng có thể lựa chọn học tiếp ngành Công nghệ bán dẫn ở Trường Đại học FPT, các trường đại học quốc tế tại Việt Nam hay những trường đại học quốc tế công nhận chương trình đào tạo. Hoặc, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, các em đi làm ngay ở vị trí liên quan đến đóng gói và kiểm thử.
“Trường FPT có chủ trương sẽ đưa sinh viên đến các nước và vùng lãnh thổ tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để học tập và làm việc trong lĩnh vực của bán dẫn. Vì thế, trong thời gian qua, nhà trường đã ký rất nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài để sinh viên tốt nghiệp sang những nước đó học tập và làm việc, sau này có kinh nghiệm, kiến thức thì có thể quay trở về Việt Nam” - thầy Vũ Hải Long chia sẻ thêm.
Sẵn sàng nhân lực
Với chủ trương đi tắt, đón đầu trong việc đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC) đã tích hợp các mô đun chuyên ngành Bán dẫn vào chương trình đào tạo của 2 ngành Cơ điện tử và Kỹ thuật điện - điện tử. Sinh viên sẽ được học về thiết kế mạch in và những quy trình sản xuất bán dẫn PCB, giúp các em sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường đã chuẩn bị nguồn nhân lực khi mở ngành Công nghệ bán dẫn; cử giảng viên tham gia các buổi đào tạo ngắn hạn về thiết kế chip và đã được cấp chứng chỉ. Về trang thiết bị phục vụ cho đào tạo Công nghệ bán dẫn, nhà trường đã và đang huy động các nguồn lực từ phía DN.
Đến tháng 8/2024, lãnh đạo Trường HNIVC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH TLB Vina - một trong những công ty hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chuyên về sản xuất vi mạch.
Theo thỏa thuận, Công ty TNHH TLB Vina sẽ cung cấp giáo trình và tài liệu chuyên sâu về các công đoạn sản xuất bán dẫn PCB cho giảng viên Trường HNIVC để nâng cao chất lượng giảng dạy và bảo đảm chương trình đào tạo sát với thực tế sản xuất.
Hiện nay, DN này đang cần tuyển hàng trăm kỹ sư thực hành để đáp ứng sản lượng sản xuất lên tới 30.000m2 bảng mạch in PCB mỗi tháng. Do đó, Công ty TNHH TLB Vina cam kết sẽ tuyển dụng sinh viên nhà trường sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành Bán dẫn. Mức lương dự kiến cho các vị trí tuyển dụng dao động từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của ứng viên.
Hiện nay, Trường HNIVC đã làm việc với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa (Đài Loan) đã từng đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn. Theo đó, năm học 2024 này, nhà trường tuyển sinh 70 sinh viên theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử và có 26 em đăng ký học theo chương trình Bán dẫn của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa.
Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường HNIVC Phan Văn Vượng cho hay: trong thời gian 2,5 năm, sinh viên được đào tạo kiến thức nền về chuyên ngành Bán dẫn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ sang Đài Loan học liên thông lên đại học ngành Công nghệ bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa. Khi sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại tập đoàn của Đài Loan (Trung Quốc) trong thời gian tối thiểu là 2 năm với mức lương 30.000 đài tệ/tháng.
Sau thời gian 2 năm, các em có thể ở lại tiếp tục công việc dài hạn (nếu muốn) hoặc về Việt Nam làm việc tại các những DN Đài Loan về thiết kế chíp. Mức lương các em nhận được tùy theo vị trí việc làm và năng lực, vị trí thiết kế chip 40 - 50 triệu đồng/tháng; đóng gói và sản xuất 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Trước thực tế hiện nay nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng nhân sự Công nghệ bán dẫn, mức thu nhập khá nhưng các trường cao đẳng lại chưa có mã nghề Công nghệ bán dẫn. Vì thế, để được đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn, chuyên ngành Bán dẫn, các trường cao đẳng chọn giải pháp liên kết với trường đại học ở nước ngoài.
Nhưng để thực hiện chiến lược quốc gia đào tạo 50.000 nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn, các trường cao đẳng mong muốn Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sớm ban hành mã ngành Công nghệ bán dẫn. Về phía Nhà nước, tỉnh, TP đầu tư cho các trường thiết bị đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn, đặc biệt là kiểm thử.
Có như vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể triển khai mở ngành, tuyển sinh, đào tạo nhân lực Công nghệ bán dẫn để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước.
Ngành Công nghệ bán dẫn khá kén người học. Để làm được việc trong ngành Công nghệ bán dẫn, người học phải có tư duy logic tương đối tốt. Và một điều không thể thiếu, là phải có sự yêu thích đối với tất cả các ngành kỹ thuật và khả năng tiếng Anh từ EILTS 5.5 trở lên.
Giám đốc Trung tâm Cao đẳng quốc tế, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Vũ Hải Long
Đăng thảo luận