Mỗi lần nghiêng sang phải dỗ con nhỏ ngủ, Thu Hà cố vòng tay còn lại sang trái ôm con lớn vì sợ bé nghĩ mẹ bỏ rơi mình - cảm giác ám ảnh cô 30 năm qua.

Ở tuổi 34, là mẹ của hai đứa con nhưng khoảng trống thiếu hụt tình yêu của bố mẹ vẫn không thể nào khỏa lấp trong lòng Thu Hà. Gia đình cô có bốn chị em gái. Chị gái hơn 5 tuổi, Hà là thứ hai, dưới là hai em song sinh, nhỏ hơn cô 2 tuổi.

Hà thường phải mặc lại quần áo, đi xe đạp, dùng máy tính của chị. Đến năm học, các chị em được ưu tiên đóng học phí trước, Hà luôn phải tự đến xin cô giáo cho khất. Chị hay các em làm sai, mẹ chỉ mắng. "Còn tôi hễ làm sai là phải xòe tay cho mẹ vụt'', Thu Hà, quê Nam Định, nhớ lại.

Món nào ngon, mẹ cũng phần hai em vì nhỏ và chị để có sức đạp đi học xa. Ngày cô vào đại học, bố nhờ người quen đưa đi nhập học còn ông đi mua đồ con gái cả và quà cho hai con út.

Những đứa con bơ vơ trong nhà mình  第1张

Thu Hà trong một quán cafe, tháng 5/2017. Ảnh nhân vật cung cấp

Thành Nam, 18 tuổi, ở Hà Nội, lại thấy từ bé đến giờ bố mẹ chỉ thương em gái và luôn ''thiết quân luật'' với mình.

Cậu kể luôn phải dậy đúng giờ, ăn đúng bữa, chỉ cần sai một phút lập tức bị mắng tới tấp. Trong khi đó, em gái được bố cho ngủ đã mắt, bế từ trên giường xuống như búp bê. Bố mẹ luôn khen em học giỏi, hát hay, múa dẻo. Còn dù con trai khoe thành tích thế nào họ cũng phớt lờ. Bố mẹ chưa từng vỗ về, an ủi khi cậu đau hay mệt. "Nhiều lúc tôi tự hỏi hay mình là con ghẻ?'', Thành Nam nói.

Những đứa trẻ bơ vơ trong chính gia đình mình do bố mẹ phân biệt đối xử như Thu Hà hay Thành Nam khá phổ biến. Khảo sát độc giả của VnExpress ghi nhận 61% cho biết từng bị bố mẹ đối xử thiên vị, trong đó 29% là thường xuyên và 32% tùy vào trường hợp.

Một nghiên cứu tại Đại học Cornell (New York, Mỹ) đối với các bà mẹ ở độ tuổi 60-70 và con cái của họ cho thấy 70% bà mẹ có thể chọn ra một đứa con họ thấy gần gũi nhất. Chỉ 15% số các con được phỏng vấn thấy được mẹ đối xử công bằng.

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP HCM), cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến phụ huynh phân biệt đối xử giữa các con.

Đôi khi, sự phân biệt đối xử do trọng nam, khinh nữ, nhưng cũng có thể vì những kỳ vọng giới tính. Cha mẹ muốn con gái phải dịu dàng, con trai lại phải mạnh mẽ, cứng rắn. Nếu các con không được như mình kỳ vọng, bố mẹ thường có những hành xử thiên lệch, khiến trẻ nghĩ đang bị phân biệt.

Một số trẻ "hợp" với bố mẹ, nhưng có những trẻ gai góc, cá tính, hay cãi, không được bố mẹ ưu ái bằng. Cũng có thể vì ông bà chiều chuộng đứa cháu này nên bố mẹ lại muốn bù đắp cho đứa kia, vô tình tạo ra phân biệt đối xử các con.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) nhận định tình huống của gia đình Thu Hà cho thấy, hoàn cảnh kinh tế cũng góp phần tác động đến cách cha mẹ cư xử với con.

Nếu một gia đình khó khăn, cha mẹ thường tập trung tài nguyên vào đứa trẻ họ thấy có khả năng thành công hơn. Khi trẻ lớn, chuyện thiên vị có thể tiếp diễn với đứa con thành đạt, có điều kiện hỗ trợ bố mẹ tài chính.

Ngoài ra, áp lực và căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng có thể khiến bố mẹ ít chú ý đến cảm xúc, nhu cầu của con hoặc thể hiện quan tâm con không đồng đều.

Các nhà xã hội học cũng nhận thấy thứ tự anh chị em có thể ảnh hưởng đến cách đối xử của bố mẹ với con. Trong một khảo sát 1.000 cha mẹ ở Anh, hơn một nửa yêu chiều con út nhất, hơn 1/4 thích con cả nhất. Những đứa con ở giữa ít được chiều chuộng nhất.

Hồng Hạ, 22 tuổi, ở TP HCM, thấy mình là một đứa con giữa điển hình. Năm nào chị gái và em trai cô cũng được bố mẹ tổ chức sinh nhật hoành tráng. Họ chưa bao giờ nhớ sinh nhật cô. "Tôi ước có ai trong nhà nhớ để chỉ chúc một câu thôi cũng được", cô nói.

Năm lớp 10, Hồng Hạ phát hiện bố có người khác. Cô báo với mẹ và chị gái. Từ đó, bố mẹ chỉ lo cãi lộn và trút sự bực tức lên đầu cô như thể chính cô là người gây ra những rắc rối này.

Ngày chị gái thi tốt nghiệp cấp ba, bố mẹ lo cho chị từng miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón sau mỗi buổi thi. Nhưng đến kỳ thi của mình, cô phải tự đến trường, trưa về tự nấu cơm ăn.

Dịp Tết, chị gái đi chơi cùng mẹ. Em trai theo bố đi chúc Tết. Hồng Hạ được giao trông nhà. "Tôi từng rạch tay, tự cắn lưỡi, bóp cổ hay đập đầu vào tường nhưng mẹ chỉ lẳng lặng bỏ đi'', Hồng Hạ kể.

Không chỉ tổn thương tâm lý như Hồng Hạ, bà Phạm Thị Thúy cho rằng phân biệt đối xử còn khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân, khó khăn khi xây dựng mối quan hệ. "Sự phân biệt cũng khơi mào cho mâu thuẫn giữa bố mẹ với con, giữa những đứa trẻ với nhau'', bà Thúy nói.

Ngày nhỏ, Thu Hà luôn là người gây sự với chị và hai em một cách vô lý, bất cần. Bốn đứa trẻ thường chia thành hai chiến tuyến. Mình cô một phe.

Khi trưởng thành, Hà biến thành người "cái gì cũng sợ". Nói gì cô cũng lo lắng không biết có bị chê trách không. Làm gì cô cũng sợ bị người khác ghét. Mỗi lần bất an, Hà lại mơ thấy bàn tay bị mẹ quật tím đỏ.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cảnh báo, trẻ bị phân biệt đối xử trong gia đình có thể nổi loạn ở tuổi vị thành niên, sa vào tệ nạn, quan hệ tình dục sớm để trốn cảm xúc tiêu cực hoặc tìm cảnh giác được chấp nhận.

Thành Nam biết yêu và quan hệ tình dục lần đầu năm 14 tuổi. Cậu thừa nhận hồi đó thích cảm giác được vỗ về, nói lời yêu thương nên nhận lời yêu bạn gái hơn bốn tuổi. Cậu cũng gia nhập nhóm học sinh cá biệt, thi thoảng cùng chúng đi đua xe, đánh nhau.

Bà Hoàng Hải Vân khuyên những đứa trẻ cảm thấy mình bị cha mẹ phân biệt đối xử không nên cố chịu đựng mà chia sẻ với người tin tưởng hoặc chuyên gia tâm lý học đường để được giúp đỡ.

Với những người đã đi qua những tổn thương, chuyên gia cho biết cần nhiều thời gian và nỗ lực để chữa lành. Việc thừa nhận và chấp nhận có những cảm xúc đó nhưng không phán xét hay lập tức loại trừ là bước đầu tiên của quá trình chữa lành. Có thể thiền - thực tập chánh niệm, tham vấn tâm lý hoặc tham gia liệu pháp trị liệu nhóm những người có cùng trải nghiệm để được nâng đỡ, học cách đối phó với những tổn thương.

Chuyên gia khuyên nên lên kế hoạch thiết lập mục tiêu sống, tạo ra sự bận rộn tích cực để vượt ám ảnh quá khứ. "Có thể cân nhắc về khả năng hàn gắn với bố mẹ. Việc mở lòng tha thứ không chỉ giúp chữa lành mối quan hệ mà giúp ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn'', bà nói.

Tổn thương khiến Hồng Hạ chưa từng yêu và không có ý định kết hôn. Nhưng cô thích trẻ con nên dự tính sẽ nhận con nuôi. "Chỉ 1-2 bé thôi để yêu con công bằng'', cô nói.

Phạm Nga