Nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á đang gặp tình trạng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng.

Bangladesh, từ lâu đã được coi là hình mẫu phát triển để xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, ghi nhận tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm 6,5% trong thập niên qua. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên tại nước này lại tăng lên 16%, cao nhất trong ít nhất ba thập kỷ, theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ tương tự. Tại Indonesia và Malaysia, con số này lần lượt là 14% và 12,5%. Tổng cộng, khoảng 30 triệu người trong độ tuổi 15-24 tại các quốc gia đông dân nêu trên không tìm được công việc phù hợp, chiếm gần một nửa trong tổng số 65 triệu người thất nghiệp trong cùng độ tuổi trên thế giới.

Những nước châu Á đau đầu với tình trạng người trẻ thất nghiệp  第1张

Sinh viên tốt nghiệp tại hội chợ việc làm ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày 18/8. Ảnh: AFP

Trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên cũng có xu hướng cao hơn so với trong toàn bộ lực lượng lao động. Nhưng với các nền kinh tế châu Á muốn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên lao động, sản xuất, tình trạng thất nghiệp này gây ra thách thức lớn hơn, thậm chí được ví như "quả bom hẹn giờ".

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ đã giảm trong những năm gần đây, con số vẫn cao hơn mức trung bình toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng cơ hội việc làm kém là nguyên nhân chính.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Thống kê gần nhất họ công bố cho thấy 1/5 người trẻ không tìm được việc làm - con số cao kỷ lục.

Mức tăng trưởng kinh tế 5% của Indonesia phần lớn đến từ sự mở rộng lĩnh vực khai khoáng và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, những ngành này sử dụng nhiều máy móc hạng nặng chứ không nhiều nhân công.

Năm ngoái, 71% số người 25-29 tuổi có việc làm ở Nam Á có công việc không ổn định, nghĩa là họ làm công việc tự do hoặc tạm thời, không giảm nhiều so với con số 77% được ghi nhận cách đây hai thập kỷ.

Bangladesh đã thoát khỏi đói nghèo bằng cách trở thành công xưởng dệt may của thế giới, sản xuất quần jean, áo thun và áo len cho các thương hiệu lớn của phương Tây. Hàng triệu người dân nước này đã rời bỏ ruộng đồng để làm việc trong nhà máy.

Nhưng quốc gia Nam Á này đã mắc kẹt. Bangladesh không thể hướng đến sản xuất những mặt hàng phức tạp, giá trị cao như đồ điện tử, máy hạng nặng hay bán dẫn, thường giúp tạo ra việc làm có thu nhập tốt hơn. Đây chính là sự chuyển đổi giúp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc bứt phá.

Bậc thang đến sự thịnh vượng giờ đây khó bước hơn nhiều. Những quốc gia muốn thành công sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, đất nước có năng suất rất cao. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ đang tìm cách đưa sản xuất trở lại quê nhà. Tự động hóa cũng là yếu tố thay đổi tình hình. Ngay cả động lực tăng trưởng kinh tế chính của Bangladesh là ngành dệt may, hoạt động sản xuất cũng dần sử dụng nhiều máy móc hơn là nhân công.

Châu Á còn xuất hiện tình trạng mất cân bằng trong lực lượng lao động. Ngày càng nhiều người ở các nước đang phát triển theo đuổi bậc học cao hơn. Họ mong muốn làm việc trong những lĩnh vực như thiết kế, marketing, công nghệ và tài chính. Nhưng những vị trí này tại quốc gia của họ lại không có nhiều.

Ấn Độ đã phát triển ngành công nghệ thông tin nhưng cũng chỉ tuyển dụng được số lượng nhân sự nhất định, trong khi trí tuệ nhân tạo đang phát triển và có thể thay thế một phần.

Hơn 40% số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ dưới 25 tuổi thất nghiệp, tỷ lệ này chỉ là 11% trong nhóm cùng độ tuổi nhưng học vấn thấp hơn, theo báo cáo năm 2023 của Đại học Azin Premji, bang Bengaluru.

"Giờ đây, bạn học cao hơn so với bố mẹ và sẽ không muốn mắc kẹt trong những công việc như của họ", Kunal Sen, giám đốc Viện Thế giới về Nghiên cứu phát triển kinh tế Đại học Liên Hợp Quốc, Phần Lan, nói. "Đây là vấn đề tôi nghĩ các lãnh đạo chính trị chưa hiểu thấu đáo".

Tâm lý phẫn nộ trước triển vọng việc làm ngày càng đi xuống là yếu tố dẫn đến bất ổn ở Bangladesh trong tháng 8. Xuất khẩu dệt may ở Bangladesh tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, nhưng tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực này lại chậm hơn nhiều.

Những người có bằng đại học ở Bangladesh có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn ba lần so với mặt bằng chung, theo kết quả khảo sát năm 2022 của giới chức. Thư viện tại Đại học Dhaka, một trong những cơ sở giáo dục danh giá nhất Bangladesh, chật kín cựu sinh viên đang trau dồi thêm kiến thức để vượt qua kỳ thi tuyển viên chức lần đầu, lần thứ hai thậm chí là lần thứ ba của họ. Nhiều người vẫn phải sống bằng tiền bố mẹ trợ cấp, dù đã sắp sang tuổi 30.

Aktaruzzaman Firoz, 28 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ngành xã hội học năm 2021, đã nộp đơn ứng tuyển vào 50 vị trí nhưng vẫn chưa tìm được việc. Anh tham gia thi tuyển viên chức năm nay, là một trong số 500 ứng viên cho hai vị trí tuyển dụng, theo Firoz. Anh vào được đến vòng cuối và thất bại.

Để trang trải cuộc sống, Firoz mượn tiền từ bố, một viên chức cấp thấp tại quê nhà vừa phải trải qua phẫu thuật hở tim. Anh đã gạt bỏ ý định tìm kiếm bạn đời. "Sao tôi có thể kết hôn khi không thể chăm lo cho gia đình mình?", Firoz nói.

Tại Bangladesh, viên chức được coi là công việc ổn định và có thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề khác. Tìm được vị trí trong chính quyền là mơ ước của nhiều người trẻ. Do đó, các cuộc biểu tình đã bùng phát khi tòa án Bangladesh quyết định phân bổ 30% chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em của quân nhân đã tham gia đấu tranh giúp Bangladesh độc lập năm 1971.

Tình trạng biểu tình dẫn tới bạo lực và buộc bà Sheikh Hasina phải từ bỏ quyền lực, rời đất nước sau hơn 15 năm trên cương vị thủ tướng.

Asif Mahmud, thủ lĩnh sinh viên biểu tình 26 tuổi, hiện là cố vấn Bộ Lao động và Việc làm cho chính quyền lâm thời Bangladesh.

"Một trong những nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình là khủng hoảng việc làm gia tăng. Tổng cơ hội việc làm hiện chưa đủ cho Bangladesh, nếu xét theo quy mô dân số", Mahmud nói. Anh đang đặt mục tiêu giải quyết vấn đề bằng cách cho các trường đại học phối hợp với ngành công nghiệp để đào tạo sinh viên đủ năng lực làm việc ngay khi tốt nghiệp.

Như Tâm (Theo WSJ, Reuters, AFP)