Sau 4 năm kể từ khi Báo cáo giai đoạn 2016-2019 hoàn thành, nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, sôi động và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển KTXH đất nước theo hướng bền vững.
Theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhằm triển khai Kế hoạch Xây dựng Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2020-2023 thực hiện Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách, biện pháp của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước UNESCO 2005 giai đoạn 2020 – 2023 và kế hoạch trong thời gian tới”.
Việc phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục hơn nữa.Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ra đời năm 2005. Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước vào tháng 7/2007. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao làm đầu mối của Việt Nam tham gia Công ước. Kể từ khi tham gia Công ước đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên; đóng góp thường niên cho Quỹ Quốc tế về Đa dạng Văn hóa (IFCD) của Công ước. Việt Nam đã hai lần trúng cử Thành viên Ủy ban Liên chính phủ (UBLCP) và đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBLCP tại cả hai nhiệm kỳ 2011-2015 và 2021-2025.
Điều 9 của Công ước về Chia sẻ thông tin và sự minh bạch đã nêu rõ “các quốc gia thành viên cung cấp các thông tin phù hợp trong báo cáo định kỳ 04 năm/lần cho UNESCO về các biện pháp thực hiện để bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong lãnh thổ của mình và ở cấp quốc tế”. Việt Nam đã hoàn thiện Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2008-2011, 2012-2015 và 2016-2019. Theo tiến độ, Việt Nam sẽ phải nộp Báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2020-2023 cho UNESCO trong tháng 6 năm 2024.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Trường nhóm Công tác quốc gia xây dựng Báo cáo đã thông tin khái quát về những hoạt động của Việt Nam tại Công ước 2005 trong thời gian qua, đồng thời giới thiệu mẫu Báo cáo trực tuyến giai đoạn 2020-2023 theo yêu cầu của UNESCO. Bà Nguyễn Phương Hòa đánh giá, sau 4 năm kể từ khi Báo cáo giai đoạn 2016-2019 hoàn thành, nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, sôi động và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đồng tình với nhận định của Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa. Bà Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, giai đoạn 2020-2023, một trong các thành tựu nổi bật của văn hóa Việt Nam trong việc thực thi Công ước 2005 là hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam đang không ngừng hoàn thiện; vai trò của công nghiệp văn hóa ngày càng được công nhận rộng rãi. Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng đề cập đến một số điểm sáng như triển khai thí điểm thành công Bộ chỉ số văn hóa 2030 của UNESCO tại Việt Nam và TP Huế; Đề án xây dựng mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam thuộc Mạng lưới thành phố sáng tạo UNECSO (với hai thành phố Đà Lạt và Hội An mới được công nhận là thành phố sáng tạo UNESCO); Hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì…
Báo cáo quốc gia định kỳ Công ước 2005 được thực hiện trên cơ sở Khung giám sát chính sách Công ước, trong đó tập trung vào 04 mục tiêu của Công ước gắn với các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, bao gồm: (1) hỗ trợ các hệ thống quản lý văn hóa bền vững; (2) dòng chảy cân bằng cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa và gia tăng sự di chuyển của các nghệ sỹ và các chuyên gia văn hóa; (3) tích hợp văn hóa vào khuôn khổ phát triển bền vững; (4) thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.
Đăng thảo luận