Những quân nhân Mỹ đầu tiên trong kế hoạch chi viện lá chắn tên lửa THAAD cho Israel đã đến nơi, giúp nước này tăng cường khả năng phòng không trước mối đe dọa từ Iran.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 15/10 thông báo "nhóm tiền trạm" đã đến Israel một ngày trước để khởi động lắp đặt và vận hành tổ hợp tên lửa Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Nhóm này bao gồm một số quân nhân Mỹ và một số bộ phận cần thiết trong thiết kế tổ hợp lá chắn tên lửa. Các nhân sự bổ sung sẽ được điều động đến Israel trong vài ngày tới, mang theo những thành phần kỹ thuật, vũ khí khác để hoàn thiện tổ hợp THAAD.
"Tổ hợp lá chắn tên lửa sẽ sẵn sàng hoạt động toàn diện trong tương lai gần, song chúng tôi không thể tiết lộ tiến độ cụ thể để đảm bảo an ninh. Quyết định triển khai tổ hợp này đến Israel đã chứng tỏ cam kết của Mỹ trong bảo vệ Israel lẫn công dân Mỹ tại Israel, ngăn mọi đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo từ Iran", Ryder bình luận.
Hệ thống THAAD tại căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters
Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch triển khai THAAD đến Israel vào cuối tuần qua, với kế hoạch điều động khoảng 100 quân nhân hỗ trợ Israel vận hành lá chắn tên lửa đạn đạo này. Trước đây, Mỹ từng hai lần điều động THAAD đến Israel, gồm một cuộc tập trận vào năm 2019 và một lần sau thảm kịch Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023.
Quân đội Mỹ hiếm khi điều động binh sĩ tới Israel, trừ trường hợp diễn tập. Khi Iran vào đầu tháng này phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, lực lượng Mỹ đã hỗ trợ đánh chặn nhưng chỉ hoạt động bên ngoài lãnh thổ Israel, tương tự những can thiệp trong hơn một năm chiến sự đã qua.
Tính năng hệ thống THAAD của Mỹ. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ
THAAD là thành phần quan trọng trong lá chắn tên lửa đa tầng của quân đội Mỹ. Một hệ thống hoàn chỉnh gồm đài điều khiển, radar AN/TPY-2, các thiết bị kỹ thuật và 6 bệ phóng với tổng cộng 48 đạn sẵn sàng khai hỏa, thường cần khoảng 100 binh sĩ vận hành.
Đạn đánh chặn của THAAD có tầm bắn 200 km và trần bay 150 km, trang bị cảm biến ảnh nhiệt để bám bắt mục tiêu và phá hủy chúng bằng va chạm trực tiếp, không dùng thuốc nổ. Điều này khiến THAAD có tính năng và nhiệm vụ tương tự lá chắn tên lửa tầm xa Arrow 3 của Israel.
Thanh Danh (Theo Hill, Reuters)
Đăng thảo luận