Trong lúc tuần tra, nhóm cán bộ Ban quản lý rừng ở Nghệ An đã phát hiện và giải cứu một con sơn dương đực quý hiếm mắc bẫy.
Con sơn dương quý hiếm mắc bẫy trong rừng - Ảnh: TÂM PHẠM
Sáng 12-10, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương đã phát hiện và giải cứu kịp thời một con sơn dương bị mắc bẫy của kẻ săn trộm vào ngày 11-10.
Nghe tiếng kêu yếu ớt trong bụi cây, bảo vệ rừng cứu kịp thời con sơn dương dính bẫy
Vụ việc xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ, nơi có hệ sinh thái phong phú và đa dạng.
Thời điểm đó, trong quá trình di chuyển, lực lượng bảo vệ rừng bất ngờ nghe thấy tiếng kêu yếu ớt phát ra từ một bụi cây rậm rạp.
Khi lại gần, lực lượng phát hiện một con sơn dương bị mắc vào chiếc bẫy dây, loài bẫy thường được sử dụng để săn bắt động vật hoang dã.
Giải cứu sao la khỏi tuyệt chủng, phát hiện nhiều loài quý hiếm khác
Ngay lập tức, các thành viên trong đội bảo vệ đã tháo gỡ bẫy một cách cẩn thận để tránh gây thêm tổn thương cho con vật.
Sau khi tháo bẫy, lực lượng nhận thấy con sơn dương đã bị trầy xước ở phần chân do dây bẫy siết chặt. Để đảm bảo con vật không bị nhiễm trùng, các thành viên trong đội đã nhanh chóng sử dụng cồn y tế sát trùng vết thương.
Sơn dương được thả trở lại môi trường tự nhiên.
Sơn dương có tên khoa học Naemorhedus milneedwardsii, là loài động vật thuộc họ trâu bò, thuộc bộ ngón chẵn, phân bố đặc hữu ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là bán đảo Đông Dương, thuộc các quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Sơn dương thuộc nhóm IB theo nghị định 06 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ở Việt Nam, số lượng của sơn dương ngày càng suy giảm do săn bắn và bẫy bắt thường xuyên, môi trường sống bị thu hẹp và chia cắt. Loài này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thuộc diện quý hiếm nguy cấp.
Đăng thảo luận