Ông Lê Hồng Sơn - thành ủy viên, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm ngày 9-10.
Ông Lê Hồng Sơn - thành ủy viên, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: THỦY TIÊN
Ngày 9-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm "Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM".
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM Nguyễn Huy Cận cho rằng tại TP.HCM, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập trong thời gian qua đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân và toàn xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập theo chủ trương, định hướng của các bộ, ngành trung ương và định hướng phát triển chung của TP.HCM.
Cũng theo ông Cận, để triển khai hiệu quả công tác này trong bối cảnh TP.HCM được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, cần tiếp tục đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, có thêm nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp.
Đổi mới hoạt động thư viện để học sinh tiếp cận thường xuyên với sáchĐỌC NGAY
Tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi Lê Thị Thùy Trang đã đưa ra một số chia sẻ về cách xây dựng xã hội học tập và khuyến học khuyến tài tại huyện này.
Đến đầu năm 2024, toàn huyện có 71.462 gia đình được công nhận là gia đình học tập, chiếm 63,03% tổng hộ dân trên địa bàn. "Muốn có một xã hội học tập thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập", bà Trang chia sẻ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa công nghệ số, ông Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số sẽ tạo dựng một phương thức hoạt động mới trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài.
Ngoài ra tăng cường kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài trường, cựu sinh viên trường nhằm kêu gọi các nguồn tài trợ về học bổng, dự án hỗ trợ cho viên chức, người lao động và sinh viên, chung tay tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, góp phần đắc lực vào mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn cho rằng trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy và hệ thống chính trị trong lãnh đạo, tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị số 11, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy.
Đồng thời quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đăng thảo luận