Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp năm học mới
Vui mừng, xúc động tới dự lễ khai giảng của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các thầy cô giáo, các cháu học sinh nhà trường nói riêng và toàn thể các thầy cô giáo, các cháu học sinh trên cả nước nói chung lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai giảng năm học mới tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Ảnh: MOET
Thủ tướng chia sẻ: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã căn dặn: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người; Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Luôn ghi nhớ và khắc sâu lời dặn của Người, những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân; là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, then chốt trong bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, công cuộc "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo" được tập trung triển khai, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội".
Nhìn lại năm học 2023-2024, Thủ tướng đánh giá: "Chúng ta vui mừng nhận thấy ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Chất lượng giáo dục được nâng lên, các cháu học sinh, trong đó có các cháu khuyết tật được chăm lo, giáo dục tốt hơn".
Bề dạy thành tích 42 năm của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được Thủ tướng nhìn nhận là rất ấn tượng. "Nhà trường đã và đang thực hiện tốt mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9 - giai đoạn quan trọng nhất, tạo nền tảng phát triển cả thể chất và trí tuệ. Học sinh khiếm thị được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết, cơ bản cho sự phát triển năng khiếu cá nhân…, từ đó tự tin và bình đẳng tham gia các hoạt động học tập hòa nhập cộng đồng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: MOET
Nhiệt liệt chúc mừng các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, đặc biệt là các học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng đồng thời ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng toàn ngành Giáo dục về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm học vừa qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Bước sang năm học mới 2024-2025, Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục kiến tạo, yếu tố nền tảng cho phát triển giáo dục vào đạo, tạo môi trường tiên tiến, lành mạnh về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, thúc đẩy xã hội học tập; đặc biệt là điều kiện thuận lợi cho các học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, cần quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm học 2024-2025.
Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tặng tranh vẽ cho Thủ tướng. Ảnh: MOET
Chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính cực, chủ động của học sinh; thường xuyên cập nhật và vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời. Trong đó, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hoá mô hình, chương trình đào tạo, phương thức học tập phù hợp với người học. Tăng cường giáo dục hoà nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp để các cháu phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
Thủ tướng nhắn nhủ: "Các bậc phụ huynh hãy luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với học sinh khuyết tật, phải tạo niềm tin để các cháu vượt qua nghịch cảnh, sự thiệt thòi, để học giỏi, sống tốt, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Nhà trường phải là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho học sinh, không có bạo lực học đường, không có ma túy học đường...".
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh trống khai giảng năm học mới 2024-2025. Ảnh: MOET
Học sinh hát vang trong ngày khai giảng. Ảnh: MOET
Tại lễ khai giảng của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh trống khai giảng năm học mới 2024-2025. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng tặng nhà trường tủ sách tham khảo. Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng 100 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng và nhiều phần quà khác.
Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được thành lập năm 1982 với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của thành phố để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội. Từ năm 1988 đến nay, được phép của Sở GDĐT Hà Nội, nhà trường đã tuyển sinh học sinh không khuyết tật đến học hòa nhập với học sinh khiếm thị.
Năm học 2024-2025, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu có hơn 1.600 học sinh. 42 năm xây dựng và phát triển với giá trị cốt lõi "Nhân ái - Trách nhiệm - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", nhà trường được ghi nhận về mô hình dạy học hòa nhập có hiệu quả. Học sinh khiếm thị theo học tại trường được trang bị đầy đủ điều kiện để hòa nhập cộng đồng, tiếp tục theo học THPT, học nghề,…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự lễ khai giảng tại Hòa Bình
Trong niềm háo hức của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, sáng ngày 5/9, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Lễ khai giảng năm học 2024-2025 tại Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành tỉnh Hoà Bình cùng toàn thể giáo viên, học sinh Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu tham dự Lễ khai giảng. Ảnh: Phạm Hoài.
Tại Lễ khai giảng, ông Lê Quý Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo đã đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2024- 2025.
Hiệu trưởng Tiểu học và THCS Tuân Đạo cho biết, năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học &THCS Tuân Đạo vui mừng đón chào 64 học sinh khối lớp 1 vừa được tuyển sinh vào học tại trường. Các thầy cô mong rằng các em sẽ nhanh chóng hoà nhịp với môi trường học tập mới, luôn phấn đấu đạt nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, trở thành niềm tự hào của gia đình, nhà trường và địa phương.
Tại thời điểm đầu năm học, toàn trường có 25 lớp với 832 học sinh. Trong đó cấp tiểu học có 14 lớp, 448 học sinh; cấp THCS có 11 lớp, 384 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường là 52 đồng chí. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường có sự thay đổi tiến bộ với trên 90% cán bộ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Tập thể cán bộ quản lý và giáo viên yên tâm công tác, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đã cố gắng khắc phục đủ phòng học để dạy học 1 ca.
"Kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được của năm học 2023-2024, bước sang năm học mới 2024 – 2025 với chủ đề là “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng GDĐT”, thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo tin tưởng rằng với sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở, nhà trường sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, thách thức phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2024-2025 mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long mong muốn các cấp lãnh đạo, các thầy cô giáo tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn nguyên lý giáo dục, học đi đôi với hành, nhà trường gắn với gia đình và xã hội, kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đồng thời trang bị cho học sinh các kỹ năng thiết yếu để thích ứng học tập, làm việc hiệu quả.
Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ giáo dục phải là tấm gương về đạo đức, tự học, tự rèn luyện, hết lòng vì thế hệ trẻ, đồng thời phát huy tính sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tụy vì học sinh thân yêu, xứng đáng là nhà giáo mẫu mực về mọi phương diện. Các em học sinh phải đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; kính thầy, yêu bạn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, cố gắng trau dồi đạo đức, chú trọng đến học lịch sử, văn hóa của quê hương Hòa Bình, của đất nước Việt Nam. Đây là những việc làm rất cần thiết để giúp các em trưởng thành toàn diện, góp phần tạo dựng hành trang vững chắc để các em tiếp tục tiến bước đến bậc học cao hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các bậc phụ huynh cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh Hòa Bình tiếp tục quan tâm, đầu tư cho giáo dục; dành sự quan tâm đầu tư thích đáng cho sự phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn nhất của tỉnh nhằm bảo đảm thực hiện tốt công bằng xã hội trong giáo dục trong đó có trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tuân Đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng Thứ trưởng Bộ GDDT Phạm Ngọc Thưởng; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long trao tặng 20 xe đạp cho 20 học sinh nghèo vượt khó và 20 suất học bổng, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hoài.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã tặng 5 bộ máy vi tính cho Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đã trao tặng 20 xe đạp cho 20 học sinh nghèo vượt khó và 20 suất học bổng cho học sinh nhà trường, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình trao 20 suất học bổng của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh trị giá 500.000 đồng/suất và 20 bộ đồ dùng học tập trị giá 495.000 đồng/bộ.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận