Giá vàng nhẫn đắt nhất từ trước đến nay

Giá vàng thế giới trong ngày 14/10 giao dịch ở mức 2.659 USD/ounce, ổn định so với trước đó.

Tin tức kinh tế ngày 14/10: giá vàng nhẫn đắt nhất từ trước đến nay  第1张 Tin tức kinh tế ngày 14/10: giá vàng nhẫn đắt nhất từ trước đến nay. Ảnh minh hoạ.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 14/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 83 - 85 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng mạnh 500.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 82,7 – 83,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng mạnh 400.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ lên mức 81,8 - 83,2 triệu đồng/lượng (mua vào/ bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với buổi sáng.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng kéo giá mua - bán vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ lên mức 82,9 - 83,8 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều so với đầu giờ sáng. Đây là mức giá cao chưa từng có của vàng nhẫn, vượt cả đỉnh 83,6 triệu đồng/lượng (bán ra) thiết lập trước đó.

Số lượng doanh nghiệp tăng gấp hơn 10 lần sau 20 năm

Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, nếu như năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92.000 doanh nghiệp, thì sau 20 năm, Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Tính riêng trong 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 61.103 doanh nghiệp, đồng thời có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo dự báo của lãnh đạo VCCI, năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp.

Nợ công năm nay dự kiến khoảng 4 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm nay nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định.

Cụ thể, nợ công ước đạt 36-37% GDP, tương đương 4-4,1 triệu tỷ đồng; tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP đạt 33-34%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 32-33%. Các chỉ tiêu này chỉ tương đương 60-70% mức trần cho phép.

Các khoản trả nợ nước ngoài năm nay dự kiến chiếm khoảng 8-9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).

Đường sắt đã bán hơn 62.000 vé tàu Tết Ất Tỵ 2025

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sau 2 tuần mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đã có hơn 62.000 vé được bán thành công (đã thanh toán) cho hành khách đi lại dịp Tết. Hiện vé tàu Tết vẫn còn khá nhiều.

Theo kế hoạch, Tết Nguyên đán 2025 sẽ có 388 chuyến tàu với 167.000 chỗ phục vụ hành khách, giảm 38.000 chỗ so với năm 2024. Nếu nhu cầu tăng cao, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm tàu trong các ngày cao điểm trước và sau Tết. Năm nay, ngành đường sắt không bán ghế phụ, đồng thời cải tạo 11 toa ghế ngồi thành toa giường nằm, giảm số chuyến và số lượng chỗ so với năm trước.

Hơn 67% vải may mặc của Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc các loại vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 trị giá gần 10,95 tỷ USD, tăng 14,3% so với 9 tháng năm 2023

Riêng tháng 9/2024 đạt trên 1,25 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 8/2024 và tăng 14% so với tháng 9/2023.

Vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam có tới 67% trong tổng kim ngạch có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc, riêng tháng 9/2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 802,29 triệu USD, giảm 4,1% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 10,8% so với tháng 9/2023; cộng chung cả 9 tháng năm 2024 đạt trên 7,33 tỷ USD, tăng 20,4% so với 9 tháng năm 2023.