Dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (đứng giữa). Ảnh: BTC
Tọa đàm "Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới" với mục đích làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch - điện ảnh của Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch nói chung, hợp tác du lịch - điện ảnh nói riêng, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; khẳng định vai trò của ngành du lịch và ngành điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển du lịch, quan tâm đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành khác.
Du lịch trong nước đang phục hồi ngoạn mục và nhân đà tăng trưởng trở lại đó, việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xây dựng chương trình truyền thông quảng bá, chiến dịch truyền thông theo cách làm mới là điều hết sức cần thiết.
Tập trung phát triển điện ảnh, điện ảnh phải liên kết với du lịch
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là lần thứ hai Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ biên tập Báo Nhân Dân ngồi lại với nhau để tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch nước nhà.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: BTC
Bộ trưởng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trước hết là về thể chế, chính sách cho phát triển du lịch. Đây được xác định là một trong những nguồn lực, khai thông nguồn lực phải bắt đầu từ thể chế. Bộ trưởng mong muốn dưới góc độ truyền thông, các đại biểu sẽ góp ý cho cơ quan nhà nước, cấp có thẩm quyền xem xét, luận giải, tìm ra hướng giải quyết trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, đến giờ này, có thể khẳng định, du lịch Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, nhân dân đồng tình, ủng hộ, và vấn đề về thể chế đã được xác lập, trong đó có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch.
Thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về các chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ để tất cả người dân, doanh nghiệp nắm vững, từ đó cùng hệ thống chính trị thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề cập là công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn đã góp phần vào những kết quả tích cực về thu hút du khách của du lịch Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024. Cùng với đó là những nỗ lực quản trị điểm đến, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai một cách bài bản, được quốc tế ghi nhận bằng các giải thưởng danh giá.
Tọa đàm về chủ đề "Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới". Ảnh: BTC
Cũng theo Bộ trưởng, ngành du lịch Việt Nam đã chủ động liên kết các ngành văn hóa, luôn xác định sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là 2 ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình đẩy mạnh liên kết quảng bá du lịch với các ngành khác. Đáng chú ý, Bộ sẽ cùng các Bộ, ngành tổ chức một chương trình xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh tại Hollywood và kế hoạch này đang được gấp rút triển khai, hoàn thiện.
“Khi nói về quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua việc xây dựng các tác phẩm điện ảnh, chúng ta nhận thấy rõ sức mạnh của điện ảnh không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực của văn hóa. Nếu biết gắn kết sức mạnh này thì sẽ tạo ra sức lan tỏa rất cao trong quảng bá, giới thiệu về du lịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới", Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đây là hoạt động điểm nhấn trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới trong năm 2024. Với tinh thần đổi mới phương thức, hình thức, nội dung các hoạt động quảng bá du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai chương trình này bảo đảm hiệu quả.
Về mục đích, chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: BTC
Đánh giá về tiềm năng, thực trạng ngành du lịch điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có nền văn hóa phong phú, đa dạng, khác biệt; ngoài ra có bối cảnh về thiên nhiên, tiềm năng con người, đặc biệt là văn hóa con người phong phú, khác biệt. Mỹ có tinh hoa điện ảnh thế giới, Hollywood có nền công nghiệp điện ảnh phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu lớn. Vì vậy, sự kết hợp giữa bối cảnh Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam với tinh hoa điện ảnh thế giới sẽ tạo nên giá trị, tạo nên thành quả thời gian tới.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, thời gian vừa qua, trong thực tế, chúng ta cũng làm được nhiều việc. Bộ VHTTDL có nhiều chủ trương để khởi xướng, tác động và tổ chức nhiều hoạt động tạo nên sự kết nối giữa điện ảnh Hoa Kỳ với điện ảnh, du lịch Việt Nam, tạo thành quả bước đầu quan trọng.
"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng sắp tới, đặc biệt khi lãnh đạo giữa 2 nước đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chúng tôi nghĩ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn; phải đổi mới cách làm du lịch, cách làm điện ảnh.
Tôi nghĩ, thời gian tới các vấn đề du lịch, điện ảnh kết nối Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tạo sự phát triển mới, nhiều tiềm năng và rất hứa hẹn", Thứ trưởng Hồ An Phong cho hay.
Những vấn đề đặt ra từ thành quả đã đạt được
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ tại tọa đàm: "Được các tạp chí du lịch uy tín và khách du lịch đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm tại Việt Nam, Quảng Bình đã được các hãng phim trong nước và nước ngoài đến khảo sát bối cảnh và triển khai một số bộ phim, video ca nhạc nổi bật như: Good Morning America; Kong: Skull Island; Alone Pt II của DJ; Alan Walker; một phần của tập 6 của Planet Earth III - Extremes; Người bất tử…
Các địa phương cung cấp thông tin và tư vấn về cảnh quay, địa điểm, hỗ trợ sản xuất, quy định và thủ tục pháp lý, tư vấn về các vấn đề kỹ thuật; cách thức đoàn làm phim làm việc với người dân địa phương và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ như quay phim, làm kịch bản, thiết kế sản xuất, đóng vai quần chúng, nhân dân.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Tọa đàm. Ảnh: BTC
Đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ các đoàn làm phim trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm tính bảo mật trong quá trình thực hiện các bộ phim; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các khu, điểm tham quan du lịch, các cơ sở lưu trú, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim. Ngoài ra, tỉnh phối hợp, đồng hành trong công tác truyền thông, giới thiệu bộ phim khi được phát hành gắn với quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng.
Qua việc triển khai các dự án phim trên tại Quảng Bình, chúng tôi thấy rằng, nhu cầu của các điểm đến du lịch tại Việt Nam đối với xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch là rất lớn. Việc quảng bá du lịch, con người Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh đặc biệt là các bộ phim “bom tấn” của các hãng phim Hollywood là một trong những phương thức quảng bá hiệu quả nhất, có khả năng tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, để biến nhu cầu đó thành các sản phẩm cụ thể cần phải có kế hoạch thực hiện dài hạn với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng xúc tiến, làm đầu mối; xác định, triển khai phương thức tiếp cận đúng, trực tiếp đến những người có khả năng quyết định việc triển khai các dự án phim; tạo điều kiện thuận lợi cho các đạo diễn bối cảnh, đoàn khảo sát các dự án phim..."
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) đưa ra quan điểm không nên "du lịch hóa tác phẩm điện ảnh. "Tôi thấy chúng ta nói rất nhiều về việc đưa hình ảnh đẹp, phải làm du lịch kết hợp với điện ảnh. Tuy nhiên, theo tôi khi làm một bộ phim chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến.
Nếu chúng ta du lịch hóa tác phẩm điện ảnh thì vô hình trung cả hai bên sẽ không đạt được hiệu quả, phim sẽ không thành công và không quảng bá được du lịch.
Tôi nghĩ Luật Điện ảnh 2022 rất mới, có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế. Nhưng những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có. Cụ thể, về thủ tục có đơn giản hơn. Ví dụ như trước đây, nếu chỉ quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%. Còn hiện nay, chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam thôi, còn phần quay ở Việt Nam mới cần đưa kịch bản 100% cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để cấp phép.
Về phần cơ chế tài chính, chính sách, tôi thấy Nghị định 41 cũng có những điều tốt, tức là có các cơ chế giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim, nhưng theo luật thuế không có gì liên quan về cơ chế này.
Khi đưa vào thực tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan thuế phải có những văn bản dưới luật, làm sao để có ưu đãi cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam", bà Ngô Phương Lan chia sẻ.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay: "Năm 1992 bộ phim Đông Dương (Indochine - 1992), có một số cảnh quay ở vịnh Hạ Long, Điện Thái Hòa thuộc Kinh thành Huế, Lăng Tự Đức (Huế), Tam Cốc - Bích Động ở Ninh Bình. Đông Dương là bộ phim quay tại Việt Nam thành công nhất khi giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Sau khi bộ phim được công chiếu khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) đã được nhiều du khách quốc tế biết đến, đặc biệt là khách du lịch Pháp. Hiện nay, khách du lịch Pháp, châu Âu chiếm 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây. Trước đây, hầu như không có khách du lịch quốc tế.
Để đạt được thành công hơn nữa trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, Ninh Bình tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược quảng bá đến các đoàn làm phim mạnh mẽ hơn, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim. Thậm chí, chính quyền có thể chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay tại địa phương mình với nội dung phù hợp, “khoe” được những nét đặc sắc của địa phương.
Câu hỏi tôi muốn đặt ra là: Đầu tư vào bộ phim, tác phẩm điện ảnh hay phim trường? Chúng ta cần có chiến lược từ đầu. Chúng tôi mong muốn qua diễn đàn có được chiến lược tổng thể, từ cơ chế chính sách của Trung ương đến địa phương. Cần hỗ trợ tối đa cho các đoàn phim như thế nào, cần có chiến lược tổng thể hơn.
Từ thực tế phát triển du lịch ở Ninh Bình, tôi đề xuất cần có giải pháp tổng thể về phát triển, hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim, đồng thời có những chính sách giới thiệu, thu hút các đoàn làm phim một cách bài bản".
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận
2024-12-31 16:05:27 · 来自139.205.249.11回复
2024-12-31 16:15:17 · 来自139.214.115.167回复
2024-12-31 16:25:23 · 来自36.63.234.176回复
2024-12-31 16:35:24 · 来自106.86.235.66回复
2024-12-31 16:45:14 · 来自61.236.238.56回复
2024-12-31 16:55:20 · 来自171.11.181.175回复
2024-12-31 17:05:15 · 来自171.8.170.195回复
2024-12-31 17:15:23 · 来自61.236.125.36回复
2024-12-31 17:25:20 · 来自222.75.230.93回复
2024-12-31 17:35:21 · 来自123.234.33.206回复
2024-12-31 17:45:22 · 来自121.76.118.176回复
2024-12-31 17:55:21 · 来自61.233.172.34回复