Việt Nam phấn đấu có trung tâm ghép phổi vùng

(Dân trí) - Bệnh viện Phổi Trung ương đã ghép phổi thành công cho 3 trường hợp. Trong đó, bệnh nhân 58 tuổi (Thanh Hóa) là ca ghép phổi có thời gian sống sau ghép lâu nhất tại Việt Nam, hơn 4 năm.

Sáng 23/9, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Chương trình gặp mặt Những lá phổi hồi sinh chúc mừng các ca ghép phổi thành công.

Từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã làm chủ và phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi.

Đây là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các chuyên khoa sâu, các quy trình chuẩn bị phổi người cho, phẫu thuật cấy ghép, chăm sóc và hồi sức sau ghép phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến… 

Việt Nam phấn đấu có trung tâm ghép phổi vùng  第1张

Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng (Ảnh: BV).

Đến nay, bệnh viện đã phối hợp thực hiện thành công 3 ca ghép phổi. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Toại là ca bệnh có thời gian sống sau ghép phổi lâu nhất tại Việt Nam, hơn 4 năm. Riêng trong năm nay, bệnh viện đã phối hợp thực hiện 2 ca ghép phổi cho 2 bệnh nhân nữ P.A.T. và T.T.H. 

2 ca ghép này được tiến hành với sự tham gia hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Ghép phổi UCSF, Trường Đại học California, tại San Francisco, Mỹ. Đây là một trong những trung tâm y học uy tín nhất trên thế giới. Ca ghép cũng có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu của nhiều bệnh viện. 

Trong đó, ca ghép phổi thứ 3 cho người bệnh T.T.H. là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn hơn, do người mắc nhiều bệnh nền nặng. Đồng thời, cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật.

Quá trình hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn phức tạp, cần sự theo dõi khắt khe, can thiệp kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa nhiều chuyên khoa. 

Đến nay, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện.

Với những thành công này chương trình ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. 

Việt Nam phấn đấu có trung tâm ghép phổi vùng  第2张

Tiến sĩ - Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: B.V).

Tiến sĩ - Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, trong tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn sẽ xây dựng, phát triển trung tâm ghép phổi vùng. Đồng thời, trở thành địa chỉ tiếp nhận, quản lý và triển khai kỹ thuật ghép phổi cho người bệnh Việt Nam và các nước khác trong khu vực. 

Bệnh viện Phổi Trung ương chỉ là mắt xích, là hạt nhân cơ bản. Sự thành công của các ca ghép phổi là sự tham gia của tất cả chuyên gia đầu ngành của y học Việt Nam. Đó cũng là sự phối hợp của toàn bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất của các bệnh viện chuyên ngành, sự phối hợp tuyệt vời của hệ thống điều phối ghép tạng quốc gia. 

"Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tên tuổi trên bản đồ thế giới về ghép phổi và như thế chúng ta sẽ còn rất nhiều việc để làm", Tiến sĩ Lượng chia sẻ.