Ông bà ăn cơm rồi, lại nói là “chúng nó bỏ đói không cho ăn” khiến người khác đánh giá tôi bất hiếu.

Ông bà sinh được 6 người con, các anh chị lớn đều có gia đình riêng, lập nghiệp và sinh sống ở xa, riêng vợ chồng tôi là con út, làm việc ở quê nên chung sống cùng ông bà.

Về kinh tế thì ông bà đều có lương hưu, ngoài ra hàng tháng các anh chị cũng đều chu cấp thêm nên ăn uống sinh hoạt không phải lo nghĩ nhiều. Các anh chị cho rằng, việc vợ chồng tôi được sống chung với bố mẹ già là một điều hạnh phúc và quý giá.

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như vậy, những nỗi khổ phải đối mặt khi sống với bố mẹ già, cùng với những tác động đến tâm lý ít ai có thể nhìn thấy. Cho dù có khéo léo che đậy đến mấy thì cũng không thể tránh khỏi những va chạm, xích mích, dẫn đến bất đồng trong sinh hoạt hàng ngày.

Có thể nhiều người cảm thấy tự hào khi được chăm sóc bố mẹ già, nhưng họ không nhận ra rằng cuộc sống với người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 90 tuổi, không phải lúc nào cũng êm đềm.

Ông bà già thường gặp nhiều vấn đề về ăn uống, sinh hoạt, sức khỏe, từ bệnh mãn tính đến các vấn đề tâm lý như mất trí nhớ hay trầm cảm và lẫn nên việc chăm sóc đòi hỏi không chỉ thời gian mà còn cả sức lực và sự kiên nhẫn. Những cơn đau nhức, khó thở hay những thay đổi tâm lý có thể khiến cả gia đình căng thẳng.

Đơn giản như việc lặp đi lặp lại một câu hỏi "bây giờ là mấy giờ" mà cứ khoảng mươi phút, người già hỏi đi hỏi lại khiến con cháu cảm thấy khó chịu và phiền phức. Hay như việc ăn rồi lại nói là "chúng nó bỏ đói không cho ăn" khiến người khác đánh giá là bất hiếu.

Bố mẹ già có thể không hiểu được nhu cầu và mong muốn của con cháu, ví như con cháu đi ngủ muộn cũng sẽ bị mắng chửi. Con dâu đi làm về muộn thì ông bà lại nghi ngờ và nói bóng gió "chắc lại có thằng nào đón đi đàm đúm đến giờ mới vác mặt về".

Vì nghĩ ông bà già răng yếu, tiêu hóa kém nên thường pha sữa và bánh ngọt để ăn sáng cho dễ thì lại nhận được câu trả lời "chúng tao có phải trẻ con đâu mà suốt ngày cho uống sữa thế này".

Thông thường ông bà già thích ăn đồ mềm, tuy nhiên ông bà nhà tôi lại không muốn ăn cháo và vẫn thích gặm xương, dẫn đến những cuộc tranh cãi không cần thiết, làm cho áp lực chăm sóc người già có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng và lo âu, ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình.

Gần đây ông bà lại thường đổ lỗi cho tôi cặp bồ và lấy cắp tiền, lấy vàng của ông bà mang cho bố mẹ đẻ tôi làm nhà, chính vì vậy mà vợ chồng tôi muốn xin phép tách ra để ở riêng để khỏi mang tiếng nhưng cũng e ngại ông bà tuổi cao, sức yếu, lúc trái gió trở trời không có con cháu bên cạnh cũng khổ.

Nhưng cứ sống chung mãi như thế này thì cũng không thể chịu đựng được vì sẽ dễ dẫn đến trầm cảm.

Hơn 10 năm qua, vợ chồng tôi luôn cố gắng vun vén, nín nhịn, chiều lòng bố mẹ già để cho cuộc sống chung với ông bà được trong ấm, ngoài êm, nhưng càng về già tính nết của ông bà ngày càng quá quắt khiến chúng tôi không thể tiếp tục sống chung được nữa. Liệu chúng tôi rời bỏ ông bà già ngoài 90 tuổi để ra ở riêng có coi là bất hiếu?

Xin mọi người cho lời khuyên.

Hồng Văn Văn