Ai tới miếu Long Bình (Vũng Tàu) có lẽ sẽ nghe giới thiệu món bánh bèo do bà Thảo bán hơn 30 năm, mà từ người địa phương đến du khách đều muốn nếm thử.
Một đĩa bánh bèo đầy ụ bắt mắt - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Cứ 14h mỗi ngày, người qua đường lại bắt gặp chủ tiệm bánh bèo nhỏ đang lục đục dọn bán trước cổng miếu Long Bình (Vũng Tàu). Suốt 33 năm, tiệm không có tên hay biển hiệu, khách đến ăn quen thì gọi là bánh bèo miếu Long Bình.
Tiệm do bà Thảo bán nằm xa thành phố Vũng Tàu, nhưng khi hỏi về những chỗ ăn ngon, nhiều người dân tại đây đều đề xuất đến quán.
Một tiệm bánh bèo ven đường đều đặn bán vào mỗi giờ chiều với tuổi đời hơn 30 năm - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Bánh bèo miếu Long Bình: Vẻ ngoài bắt mắt, hương vị "nhập gia tùy tục"
Khi gọi ra một đĩa bánh bèo, điều đầu tiên khiến thực khách ấn tượng chính là vẻ ngoài vô cùng bắt mắt.
Nền trắng tinh khôi do bánh bèo xếp lớp được điểm thêm màu sắc bằng những tầng thức ăn như mỡ hành, đậu xanh, tôm băm, bì… đặc biệt nhất chính là viên xíu mại tròn trĩnh ăn kèm.
Nguyên liệu làm nên xíu mại không quá cầu kỳ, chủ yếu là thịt băm và da heo được xắt hạt lựu. Mỗi viên được vo săn chắc, nêm nếm vừa phải, không bị đậm gia vị.
Khi xắn một ít xíu mại để ăn kèm bánh bèo, phần thịt tiếp tục ghi điểm bởi độ tươi, tơi và mềm, không bị khô.
Ngoài ra, một thành phần "cốt cán" để tạo nên đĩa bánh bèo từ xưa đến nay chính là bì. Bì cũng giữ được độ tươi trong hương vị lẫn màu sắc. Bì và thịt ăn có màu nhạt, chứng tỏ không quá lạm dụng gia vị để ướp hoặc nêm nếm.
Xíu mại và bì do chính bà Thảo làm khiến đĩa bánh bèo ngon và độc lạ hơn - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG
Các sợi bì được cắt vừa phải, không quá nhỏ hoặc to. Khi thưởng thức một muỗng bánh bèo kèm với thức ăn, thực khách vẫn cảm nhận rõ cảm giác giòn giòn của những sợi bì.
Khác với những thành phần trong đĩa, mỡ hành và đậu xanh lại đảm nhận vai trò gợi lên cơn thèm qua khứu giác. Mỡ hành có mùi hương tương tự như một số nơi khác, nhưng đậu xanh lại thơm một cách đặc biệt.
3 món ăn Việt trong top 100 món ăn từ gạo ngon nhất thế giới
Bánh quai vạc Phan Thiết dai dai càng nhai càng ghiền
Mâm cỗ chay ngày rằm tháng bảy ở miền Bắc không thể thiếu bánh đúc, cháo trai...
Thay vì trét một lớp mỏng, tròn quanh đĩa, cô Thảo lại quét mỗi miếng bánh một lớp đậu xanh.
Đậu xanh được xay nhuyễn, xốp, cấu trúc kết dính với nhau, nhưng lại không làm người ăn bị ngán, tạo ra một lớp mùi hương nhè nhẹ cho món ăn.
Tinh ý cảm nhận, người thưởng thức sẽ nhận ra hầu hết các thành phần trong đĩa đều có vị thanh hoặc lạt, thay vì quá đậm đà, cốt là để có sự dung hòa với nước mắm.
Nếu hầu hết những người làm bánh bèo hướng tới vị thanh thanh, chuẩn món bánh gốc Huế thì đĩa bánh ở đây lại cho thấy sự "nhập gia tùy tục", có sự cân chỉnh để phù hợp với khẩu vị người miền Nam.
Nhiều tranh cãi xoay quanh món ăn
Chia sẻ về lý do mở quán, bà Thảo cho biết ban đầu bà tập đổ bánh vì thèm ăn, chứ chưa có ý định kinh doanh. Sau vài lần thử, bà cảm thấy hài lòng với công thức của mình, nên quyết định mở bán.
Những năm đó, tiệm vẫn còn nằm sâu trong con hẻm kế miếu Long Bình. Dần dà bà chuyển ra gần đường lớn và cuối cùng là bán cố định ở đầu hẻm, chính là vị trí hiện tại.
Bánh bèo - món ăn dọc miền đất nướcĐỌC NGAY
Bà cho biết từ trước giờ, quán hầu như phục vụ người địa phương. Sau khi một số người dùng mạng xã hội đăng tải hình ảnh của quán, thì nhiều thực khách ở xa mới biết đến.
Cũng từ đó mà quán nhận nhiều đánh giá, ý kiến khác nhau.
Một người dùng TikTok bình luận: "Lúc trước thì quán bán ngon, ăn một lần 3 đĩa. Giờ thì hương vị không còn như xưa". Người dùng khác lại chia sẻ rằng đĩa bánh lúc ăn thì bố trí không được đẹp mắt, làm mất cảm giác ngon miệng.
Ngược lại, có một tài khoản tâm sự: "Cô bán gần nhà tôi, ăn từ hồi cô còn đi xe đạp bán dạo, chớp mắt vậy cũng hơn 10 năm". Một thực khách ở xa cũng lên tiếng: "Tôi là dân Phước Tỉnh, mà mỗi lần có ai đi Long Điền thì đều nhờ mua về ăn".
Không ít người cũng khôi hài chia sẻ chắc là không có duyên ăn, nên lần nào chạy ra cô cũng hết bánh.
Đăng thảo luận