Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đã khắc phục tối đa những bất cập của giai đoạn trước nên đề xuất cho triển khai lại.
Các dự án đầu tư mới theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đã dừng thực hiện từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021). Nguyên nhân do những bất cập khi thực hiện loại hợp đồng này trong giai đoạn trước. Chẳng hạn, một số dự án không phù hợp; giá trị công trình xác định không chính xác, đa số có suất đầu tư cao hơn dự án sử dụng vốn đầu tư công. Việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo chỉ định thầu, không cạnh tranh, giám sát bị xem nhẹ dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo.
Song tại hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định về dự án sửa Luật Quy hoạch, Đầu tư, PPP, Đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn ý kiến nhiều bộ ngành, địa phương cho biết các dự án BT thực hiện trước khi Luật PPP có hiệu lực vẫn có đóng góp nhất định. Cụ thể, các dự án góp phần hoàn thiện hạ tầng tại các địa phương, huy động nguồn lực tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư công, hình thành các đô thị, khu dân cư mới.
Cơ quan này cũng cho rằng mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước nên vẫn có thể phát huy hiệu quả.
"Các hợp đồng BT cần được xem xét tiếp tục áp dụng trong bối cảnh huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn và nhu cầu phát triển hạ tầng tăng mạnh", Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá.
Một dự án BT tại Hà Nội. Ảnh: Bá Đô
Thực tế, Quốc hội đang cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai hợp đồng BT là TP HCM, Hà Nội và Nghệ An. Tuy nhiên, cách thực hiện còn chưa thống nhất. Ví dụ, TP HCM được áp dụng cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền, từ ngân sách thành phố. Nghệ An được thanh toán bằng tiền từ ngân sách nhà nước hoặc thu từ đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất. Hà Nội được thanh toán bằng tiền ngân sách thành phố, quỹ đất.
Theo đó, cơ quan quản lý ngành đầu tư đề xuất một số hướng triển khai với loại hình này.
Cụ thể, với hợp đồng thanh toán bằng quyền thực hiện dự án tại vùng phụ cận với các điểm kết nối, tuyến giao thông có tiềm năng phát triển, cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị của quỹ đất giao, cho thuê tại thời điểm trước hình thành công trình giao thông. Họ cũng phải tính cơ chế chia sẻ, phân phối lại phần giá trị tăng thêm từ đất khi dự án được đưa vào khai thác, kinh doanh sau khi có công trình giao thông.
Với hợp đồng thanh toán bằng tài sản công, nhà chức trách xác định công trình BT, quỹ đất dự kiến thanh toán (về diện tích, giá trị) tại các thời điểm lập báo cáo nghiên cứu, đấu thầu, ký hợp đồng. Việc này phải bảo đảm công trình BT và quỹ đất dự kiến thanh toán có giá trị tương đương. Nếu giá trị quỹ đất thực tế vượt cam kết tại hợp đồng, dự án sẽ được áp dụng cơ chế bù trừ phần chênh lệch khi quyết toán.
Trong cả 2 mô hình trên, nhà đầu tư chỉ được giao đất khi hoàn thành 50% khối lượng công trình BT. Họ cũng chỉ được kinh doanh, khai thác khi hoàn thành công trình BT.
Với hợp đồng thanh toán bằng tiền, cơ quan có thẩm quyền xác định tổng mức đầu tư của công trình BT, gồm cả chi phí lãi vay, lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư. Sau khi nghiệm thu, cơ quan chức năng sẽ thanh toán cho nhà đầu tư giá trị này, từ nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn từ đấu giá quỹ đất, tài sản công.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất bổ sung quy định với trường hợp nhà đầu tư xây dựng công trình và chuyển giao cho nhà nước quản lý, không yêu cầu thanh toán chi phí xây dựng. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất dự án kèm báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ năng lực, dự thảo hợp đồng. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo khả thi, ký hợp đồng và nhận chuyển giao.
Phương Dung
Đăng thảo luận