Sau sắp xếp, Đồng Nai giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 xã, 7 phường), từ 170 đơn vị còn 159 đơn vị. Giữ nguyên 11 đơn vị hành chính cấp huyện.
Toàn bộ diện tích, dân số xã Hiếu Liêm sẽ được nhập về xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - Ảnh: A LỘC
Ngày 22-10, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025.
Đồng Nai còn 159 đơn vị hành chính cấp xã
Ông Võ Tấn Đức, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết qua rà soát, Đồng Nai không có đơn vị hành chính cấp chuyện thuộc diện phải sắp xếp, chỉ có 4 xã ở 4 huyện, thành phố thuộc diện sắp xếp.
Tuy nhiên, Đồng Nai đã đưa vào đề án sắp xếp 22 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 4 đơn vị thuộc diện sắp xếp và 18 đơn vị khuyến khích sắp xếp) giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã.
Ngày 28-9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11 tới.
Cơ bản hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 9
Sắp xếp đơn vị hành chính huyện xã, người dân đổi giấy tờ thế nào?
Theo đó, sau khi sắp xếp Đồng Nai giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã (4 xã, 7 phường), bao gồm 117 xã, 33 phường và 9 thị trấn.
Cụ thể, tại thành phố Biên Hòa, nhập toàn bộ phường Hòa Bình và điều chỉnh một phần phường Tân Phong nhập vào phường Quang Vinh.
Nhập toàn bộ phường Thanh Bình, phường Quyết Thắng và điều chỉnh một phần phường Tân Phong nhập vào phường Trung Dũng.
Nhập toàn bộ phường Tân Tiến vào phường Tân Mai. Nhập toàn bộ phường Tam Hòa vào phường Bình Đa. Như vậy, sau khi sắp xếp, thành phố Biên Hòa có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 1 xã (giảm 5 phường).
Tại thành phố Long Khánh, nhập toàn bộ phường Xuân Trung và phường Xuân Thanh vào phường Xuân An. Sau khi sắp xếp, thành phố Long Khánh có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 4 xã (giảm 2 phường).
Tại huyện Tân Phú, nhập toàn bộ xã Phú Trung vào xã Phú Sơn. Điều chỉnh một phần xã Núi Tượng nhập vào xã Phú Lập. Tiếp đó, nhập toàn bộ xã Núi Tượng vào xã Nam Cát Tiên. Sau sắp xếp, huyện Tân Phú có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn (giảm 2 xã).
Tại huyện Vĩnh Cửu, nhập toàn bộ xã Hiếu Liêm vào xã Trị An. Nhập toàn bộ xã Bình Hòa vào xã Tân Bình. Sau sắp xếp, huyện Vĩnh Cửu có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn (giảm 2 xã).
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động - Ảnh: A LỘC
Giải quyết chế độ chính sách khách quan, chống chạy chức, tiêu cực
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - đánh giá việc triển khai nghị quyết có khối lượng công việc rất lớn.
Vì vậy, ông đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền và các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đến toàn thể người dân trên địa bàn. Đặc biệt là các xã, phường thực hiện sắp xếp, sáp nhập để tạo sự đồng thuận.
Nắm bắt, phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên sau sắp xếp. Nhất là việc bố trí việc làm, tinh giản biên chế và giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, sáp nhập.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết bảo đảm đúng theo quy định.
Bố trí cán bộ lãnh đạo, công chức tại các đơn vị hành chính mới, ưu tiên lựa chọn người có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới.
Ông Lĩnh lưu ý việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ công chức bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, công tâm, khách quan, chống chạy chức, tiêu cực và không để phát sinh đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến công tác cán bộ.
Đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãnh phí. Chỉ đạo việc sử dụng, bảo quản tài liệu, sổ sách tài chính, hồ sơ lưu trữ đúng quy định.
Đăng thảo luận