Xây dựng các trung tâm dữ liệu phải bảo đảm cho cơ sở hạ tầng dữ liệu hoạt động thông suốt và bảo vệ môi trường
Cùng với việc không ngừng nghiên cứu để phát triển các chip và thuật toán xử lý dữ liệu, nhiều quốc gia đang tăng tốc tăng cường năng lực cho các trung tâm dữ liệu (DC) để phục vụ cho nhu cầu dữ liệu đang ngày càng gia tăng nhanh. Những "ông lớn" công nghệ trong nước như VNPT, Viettel, CMC, FPT, VNG… cũng ráo riết vào cuộc đua.
Những DC ngàn tỉ
Ngay từ trước khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu vào giai đoạn bùng nổ trên thị trường thế giới trong năm 2023, Việt Nam và nhiều nước đã gặp thách thức giải bài toán DC. Việc tăng cường ứng dụng các công nghệ như: dữ liệu lớn, chuỗi khối, tăng tốc chuyển đổi số mở rộng toàn diện cả nước… đã phát sinh nhiều nguồn cơ sở dữ liệu cấp quốc gia rất lớn.
Ngày 15-8-2022, CMC đã ra mắt CMC Data Center Tân Thuận tại quận 7, TP HCM, được đánh giá là DC hiện đại, an toàn bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lúc đó. Sau 2 năm triển khai với vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, DC này có 1.200 tủ rack với tổng công suất trên 12.000 KW. Hiện CMC Telecom thuộc CMC đã có 3 DC: 2 tại TP HCM và 1 tại Hà Nội với tổng quy mô 3.000 tủ rack. Ngày 25-10-2023, Tập đoàn VNPT khai trương IDC ngàn tỉ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), là DC thứ 8 của VNPT với 2.000 tủ rack trên diện tích 23.000 m2. Gần đây, DC thứ 14 của Tập đoàn Viettel vừa ra đời, đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, có diện tích 21.000 m2 với hơn 2.400 tủ rack và tổng công suất điện lên tới 30 MW, được coi là DC hiện đại nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Tổng cộng, 14 trung tâm dữ liệu của Viettel IDC đã có tới 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 tủ rack, 87 MW điện.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, giữa năm 2024, Việt Nam đã có 32 DC thương mại với quy mô hơn 20.000 tủ rack và tổng công suất 145 MW. Đến nay, chưa có DC nào ở Việt Nam do doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư. Nhiều chuyên gia nhận định sau khi có nghị định của Bộ Thông tin và Truyền thông về chi tiết thi hành Luật Viễn thông năm 2023 (có hiệu lực từ tháng 1-2025), trong đó cho phép đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và sở hữu 100% của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ DC, dịch vụ OTT và điện toán đám mây, thị trường DC tại Việt Nam sẽ sôi động hơn.
Hiện một số DN công nghệ lớn của nước ngoài như Alibaba (Trung Quốc), ST Telecomedia Global Data Center (Singapore), Hyosung (Hàn Quốc)… đã có kế hoạch đầu tư riêng hoặc hợp tác với đối tác trong nước để xây dựng DC ở Việt Nam. Việc các "ông lớn" Google, Amazon, Microsoft, Tencent… tham gia thị trường DC tại Việt Nam chỉ còn là thời gian.
IDC Viettel Hòa Lạc là trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tạiẢnh: Viettel
Cần Chính phủ đồng hành
Nhu cầu về DC ở Việt Nam ngày càng tăng cao nhưng sức cầu này lớn tới mức nào và việc đáp ứng nhu cầu đó ra sao cũng đặt ra nhiều thách thức.
Bài toán kinh doanh DC luôn là bài toán khó cho các nhà đầu tư. Việc xây dựng DC ngày nay phải có quy mô lớn và đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất nên cần nguồn vốn rất lớn và nhà đầu tư phải luôn ứng vốn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sau đó mới thu hồi dần khi có khách hàng. Do phải đầu tư vốn rất lớn mà phải kinh doanh dài hạn, DN sẽ mất khá nhiều thời gian để đạt được điểm hòa vốn.
Theo JLL Việt Nam thuộc JLL (Mỹ), hãng dịch vụ bất động sản toàn cầu, ước tính chi phí xây dựng DC ở Việt Nam dao động 6 - 13 triệu USD/MW. Thực tế, các DC hơn ngàn tỉ đồng mà Việt Nam khai trương trong vài năm gần đây chỉ thuộc loại nhỏ so với thế giới. Đơn cử, Viettel mở rộng quy mô DC lên 17.000 tủ rack vào năm 2025, tập đoàn này ước tính sẽ phải đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng. Toàn bộ 14 DC hiện nay của Viettel cũng chỉ có tổng công suất 86 MW, trong khi 1 DC cỡ lớn trên thế giới cũng đã có công suất 100 - 200 MW. Đó là lý do mà hiện có đến 97% thị trường DC ở Việt Nam là do 4 "ông lớn" Viettel, VNPT, FPT và CMC đầu tư. Thực tế hiện nay, các "ông lớn" công nghệ quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài… đều chọn giải pháp hợp tác và sử dụng các DC của Việt Nam để phục vụ khách hàng tại Việt Nam.
Việc xây dựng các DC cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức là phải giải quyết thật tốt các khâu để bảo đảm cơ sở hạ tầng dữ liệu hoạt động thông suốt và thu hút được khách hàng. Cơ sở hạ tầng internet trong nước và quốc tế phải ổn định và đủ sức chịu đựng dung lượng tải rất lớn. Nguồn điện phải ổn định và cung cấp đầy đủ. Chẳng hạn, toàn thể tổng công suất của các DC ở Việt Nam hiện tuy chỉ tương đương 1 DC cỡ lớn của thế giới cũng đã tiêu thụ 145 MW điện. Mặt khác, thách thức bảo vệ môi trường cũng không hề nhỏ. Các DC vận hành cần lượng lớn nước để làm mát hệ thống. Các nhà khoa học từng cảnh báo nhu cầu lớn về nước làm mát cho các DC có thể khiến tình trạng hạn hán toàn cầu trở nên tệ hại hơn. Đó là lý do mà tại Triển lãm công nghệ Computex Taipei 2024 vừa qua, các hãng chế tạo đã giới thiệu những giải pháp DC xanh và bền vững.
Vì vậy, để phát triển DC tại Việt Nam, cần sự đồng hành của Chính phủ trong việc xây dựng quy hoạch ngắn hạn và dài hạn; cần sự cân đối trên nhiều lĩnh vực mang tầm quốc gia chứ không phải chỉ là chuyện đầu tư của DN.
Phát triển nhanh nhất thế giới
Theo báo cáo "Thị trường DC Việt Nam - Phân tích đầu tư và Cơ hội tăng trưởng 2024-2029" của hãng nghiên cứu thị trường ResearchAndMarkets, thị trường DC Việt Nam dự kiến sẽ từ mức 685 triệu USD vào năm 2023 tăng lên 1,435 tỉ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 13,12% từ năm 2023-2029. Báo cáo của Savills châu Á - Thái Bình Dương đánh giá ngành công nghiệp điện toán đám mây và DC của Việt Nam là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới.
Đăng thảo luận