Trung Quốc dự kiến sẽ ký kết phiên bản cập nhật của hiệp định thương mại tự do với các quốc gia Đông Nam Á vào năm tới, nhằm tăng cường quan hệ thương mại, hợp tác năng lượng mới, và củng cố chuỗi cung ứng. Điều này diễn ra sau cuộc họp tại Lào vào ngày 10/10 bên lề diễn đàn khu vực ASEAN, đánh dấu bước tiến quan trọng sau gần hai năm đàm phán giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hiệp định thương mại tự do (FTA) phiên bản 3.0, dự kiến được chính thức ký kết vào năm tới, mở rộng phạm vi hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, kết nối chuỗi cung ứng, và tạo thuận lợi cho hải quan. Ngoài ra, thỏa thuận này còn nhấn mạnh việc tích hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hệ thống thanh toán điện tử, và tăng cường hợp tác trong đầu tư năng lượng xanh. Cả hai bên sẽ khuyến khích doanh nghiệp thiết lập các tiêu chuẩn chung, giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình hợp tác. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ ưu tiên hợp tác tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực như xe năng lượng mới và điện tử.

Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác thương mại với ASEAN  第1张 Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 27 ở Vientiane, Lào. Ảnh: SCMP

Một trong những mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh là củng cố chuỗi cung ứng với các quốc gia ASEAN, đảm bảo dòng chảy tự do của các sản phẩm quan trọng, đồng thời cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo nhận định của giáo sư Christopher Tang từ Trường Quản lý Anderson thuộc Đại học UCLA, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu, do đó cần tìm hướng xuất khẩu nhiều hơn sang các quốc gia ASEAN. Với tổng dân số lên đến 672 triệu người, ASEAN hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng lớn đối với Trung Quốc.

Giáo sư Tang còn cho biết: "Trung Quốc đang hướng đến việc thay thế đồng USD bằng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế. Việc tăng cường thương mại với ASEAN sẽ giúp Trung Quốc gia tăng sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch với khu vực này".

Bên cạnh đó, việc hợp tác với các nước ASEAN cũng mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất xe điện như BYD và nhà sản xuất pin CATL. Những công ty này đã và đang thiết lập các nhà máy tại Đông Nam Á nhằm tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Mỹ và châu Âu, hưởng lợi từ các chính sách miễn thuế đối với các sản phẩm lắp ráp bên ngoài Trung Quốc.

Mặc dù các nước ASEAN luôn muốn hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhiều quốc gia vẫn lo ngại về việc phụ thuộc về kinh tế hay chịu ảnh hưởng tiêu cực khi lượng hàng hòa khổng lồ của quốc gia tỷ dân tràn vào thị trường. Đây là một trong những vấn đề được nhiều chính phủ ASEAN chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trước làn sóng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.

Ví dụ, trong năm nay, Indonesia đã cấm nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, Temu, vì lo ngại  các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ nền kinh tế số hai thế giới gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất nội địa. Tương tự, Thái Lan cũng đã áp thuế đối với các sản phẩm nước ngoài có giá trị dưới 1.500 baht (khoảng 45 USD) nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ.

Trong phiên bản 3.0 của hiệp định thương mại tự do, các điều khoản về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã được đưa vào thỏa thuận, đồng thời một ủy ban hợp tác sẽ được thành lập để tăng cường thực thi các điều khoản này. Mục tiêu của những điều chỉnh này là thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng hơn, giảm thiểu sự không cân xứng trong quá trình hợp tác kinh tế.

Các chuyên gia kỳ vọng hiệp định thương mại tự do phiên bản 3.0 giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên, mở ra những cơ hội mới trong lĩnh vực kinh tế xanh, kỹ thuật số và kết nối chuỗi cung ứng. Đồng thời, hiệp định này cũng hướng tới tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.