Thành công hiện tại khuyến khích Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) duy trì chính sách nhập tịch cầu thủ trong dài hạn, thậm chí mở đường cho các môn thể thao khác học theo.

Indonesia đã triệu tập 11 cầu thủ mang dòng máu lai trong đợt tập trung đầu tháng 9. Chín trong số đó được HLV Shin Tae-yong đưa vào đội hình xuất phát, trong trận hòa các đối thủ trên cơ Arab Saudi 1-1 và Australia 0-0 tại hai lượt đầu bảng C vòng loại ba World Cup 2026 – khu vực châu Á. Đây là khác biệt lớn so với tám tháng trước đó, khi Indonesia thua thảm Australia 0-4 ở vòng 1/8 Asian Cup 2023.

Với những cầu thủ gốc Hà Lan, mạch thành công của Indonesia được nối dài từ đầu năm 2024, sau Asian Cup và vào bán kết U23 châu Á 2024. Và số lượng nhóm cầu thủ này vẫn còn tăng lên, với Mees Hilgers và Eliano Reijnders, đang thi đấu tại giải vô địch Hà Lan. Hậu vệ Hilgers sinh năm 2001, vừa đá chính cùng FC Twente hòa Man Utd 1-1 ở vòng bảng Europa League. Còn Reijnders sinh năm 2000 đang đá chính cho PEC Zwolle, quyết định chơi cho đội tuyển quê hương mẹ sau khi anh trai Tijjani có suất ở tuyển Hà Lan.

Cầu thủ nhập tịch thay đổi bóng đá Indonesia thế nào  第1张

Trung vệ Mees Hilgers (phải) ăn mừng cùng đồng đội khi Twente hòa Man United 1-1 ở vòng bảng UEFA Europa League 2024-2025. Ảnh: Twente

Thành tích đi lên kéo theo những quan điểm cho rằng ĐTQG sẽ đánh mất bản sắc, kéo giảm động lực của nhóm cầu thủ bản địa. Sự phản đối không chỉ đến từ người dân, mà còn từ các chính khách, thành viên Hạ viện hay Uỷ ban Olympic Indonesia. Câu hỏi được họ đặt ra là "khi nào Indonesia dừng nhập tịch cầu thủ?".

Ở họp báo tại Bộ Pháp luật và Quyền con người Indonesia ngày 19/9, Chủ tịch PSSI Erick Thohir cho rằng trong thời đại dân chủ thì khác biệt quan điểm là điều dễ hiểu. "Chúng ta đang đặt mục tiêu nâng cao thành tích của ĐTQG", Thohir nói. "Nhập tịch là một chính sách dài hạn".

Vị chủ tịch sinh năm 1970 nhấn mạnh nhập tịch là xu hướng bóng đá thế giới và phù hợp các quy tắc. FIFA không cấm nhập tịch, miễn cầu thủ chứng minh đã sinh sống liên tục năm năm ở quốc gia, hoặc chứng minh có nguồn gốc từ thời bố mẹ, ông bà. Tiêu chí này giống với "Luật nhập tịch" của nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, Thohir khẳng định PSSI đang tập trung vào nhóm cầu thủ mang gốc gác Indonesia, sau khi nhìn thấy tiềm năng to lớn từ cộng đồng kiều bào tại Hà Lan.

Indonesia vốn là thuộc địa của Hà Lan từ năm 1800 trước khi tuyên bố độc lập năm 1945. Mối liên kết con người giữa hai quốc gia vẫn kéo dài cho đến ngày nay, trong đó có bóng đá với nhiều cầu thủ gốc gác Indonesia trưởng thành trong môi trường bóng đá phát triển. Không những thế, thông qua Hà Lan, người Indonesia cũng di cư sang nhiều quốc gia khác của châu Âu.

Thohir cho biết: "Chúng tôi muốn tập trung tất cả tài năng xuất sắc của Indonesia ở nước ngoài. Liên đoàn không buông bỏ nhân tài trong nước, mà đang tăng cường phát triển đào tạo trẻ để chuẩn bị cho tương lai của ĐTQG".

Mục tiêu của Thohir là có 154 cầu thủ đủ đẳng cấp chơi cho ĐTQG. Vì vậy, dự án nhập tịch của PSSI được xây dựng song song kế hoạch phát triển cầu thủ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, ở cấp U17, U19. Thành quả là đội U19 và U17 lần lượt vô địch và đứng thứ ba Đông Nam Á 2024. Bóng đá nữ cũng không nằm ngoài cuộc khi đội tuyển đang tập huấn tại Nhật Bản, với bảy cầu thủ mang dòng máu lai gốc Hà Lan.

Cầu thủ nhập tịch thay đổi bóng đá Indonesia thế nào  第2张

Tiền vệ gốc Hà Lan Ivar Jenner (áo trắng) đi bóng trong trận Indonesia thắng Việt Nam 1-0 ở vòng bảng Asian Cup 2023. Ảnh: AFC

Ngoài PSSI, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Pháp luật và Quyền con người Indonesia, cam kết hỗ trợ dự án nhập tịch. "Thể thao là niềm tự hào của chúng tôi, đặc biệt ở bóng đá hay bóng rổ đã trở thành một phần quan trọng", Bộ trưởng Supratman Andi Agtas nói với CNN Indonesia.

Từ thành công của bóng đá, ông Supratman cho rằng các môn thể thao khác cũng có thể bắt đầu tìm kiếm VĐV mang dòng máu lai về thi đấu. Sự hưởng ứng đến ngay lập tức từ Liên đoàn bóng rổ Indonesia, khi Chủ tịch Nirmala Dewi khẳng định "sắp tới sẽ làm phiền Bộ trưởng một chút để một số VĐV sớm có hộ chiếu".

Tuy nhiên, nhập tịch chỉ là một phương án trong phát triển tổng thể bóng đá của Indonesia. Thành viên Uỷ ban điều hành PSSI Arya Sinulingga cho biết liên đoàn muốn ĐTQG được cải thiện trước tiên, vì dễ thực hiện và tác động nhanh chóng.

Trên kênh Sport77, Sinulingga nói: "Làm sao để người dân yêu bóng đá là câu hỏi của Chủ tịch Thohir. Việc ông ấy làm đầu tiên là chấn chỉnh ĐTQG, vì không có sự can thiệp từ nhiều người. Khi đội tuyển trỗi dậy, sự quan tâm tới bóng đá tăng cao rồi sẽ lan rộng xuống cấp độ dưới".

Thành quả thu lại là Indonesia từ ngoài top 170 vào năm 2020, đã đứng thứ 129 vào tháng 9/2024. Sinulingga cho biết kho bạc của PSSI ngày càng tăng khi các nhà tài trợ đến rất đông. Từ đấy, PSSI có vốn để nâng cấp Giải VĐQG Liga 1. Các CLB bắt đầu cảm thấy công bằng hơn, với sự xuất hiện của VAR, cùng việc thuê trọng tài nước ngoài mỗi tháng một lần.

Ngoài CLB và đào tạo trẻ, PSSI còn nhận thức rằng muốn có cầu thủ tốt thì cần thầy giỏi, nhưng Indonesia thiếu rất nhiều HLV bóng đá có có bằng cấp. Xứ vạn đảo có 12.000 HLV, còn Nhật Bản là 93.000. Nhưng dân số Indonesia là khoảng 275,5 triệu người, còn Nhật Bản là 125 triệu. Tỷ lệ là cứ khoảng 23.000 dân Indonesia mới có một HLV bóng đá, còn Nhật Bản là khoảng 1.350 dân thì có một.

Bằng cấp do LĐBĐ châu Á (AFC) cấp cũng được xem là thước đo cho sự phát triển của nền bóng đá. Tỷ lệ HLV bằng A, B, C của Nhật Bản lần lượt là 29.000, 8.000, 2.800, còn Indonesia là 3.000, 700 và 35.

Cầu thủ nhập tịch thay đổi bóng đá Indonesia thế nào  第3张

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia Erick Thohir (trái) và Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Lan Gijs de Jong trong lễ ký kết hợp tác ngày 26/9. Ảnh: PSSI

Dưới thời tỷ phú Thohir, vị thế bóng đá Indonesia đang ngày một tăng ở quốc tế, trái ngược với nhiều lệnh cấm từ FIFA trong quá khứ. Năm 2023, Indonesia bị tước quyền đăng cai FIFA U20 World Cup sau khi chính quyền đảo Bali từ chối cho đại diện Israel nhập cảnh tham dự lễ bốc thăm. Khả năng ngoại giao của Thohir giúp Indonesia thoát án phạt ngoạn mục, với một trong những giải pháp là thay thế Peru đăng cai FIFA U17 World Cup 2023.

Indonesia đã mời nhà vô địch World Cup Argentina đá giao hữu và tương lai còn muốn mời thêm các đội tuyển mạnh trong top 20 thế giới. Mới đây, FIFA đã đặt văn phòng đại diện tại Indonesia. PSSI còn ký biên bản hợp tác toàn diện với LĐBĐ Hà Lan (KNVB). "Mục tiêu trọng tâm của sự hợp tác này là nâng cao chất lượng các cầu thủ trẻ và tài năng bóng đá Indonesia", Thohir nói với hãng tin Antara.

Ở tầm Đông Nam Á, Indonesia giờ là đối trọng khó nhằn với Thái Lan và Việt Nam, minh chứng bằng ba chiến thắng liên tiếp trước Việt Nam trong năm 2024. Arya Sinulingga thừa nhận ngay cả khi có thêm cầu thủ nhập tịch thì Indonesia cũng chỉ ngang ngửa Việt Nam trong hai trận đầu thắng 1-0 ở vòng bảng Asian Cup và lượt đi vòng loại hai World Cup. Nhưng khi có thêm cái tên chất lượng như Ragnar Oratmagoen và Thom Haye thì họ đã thắng 3-0 ở lượt về tại Mỹ Đình, trực tiếp khiến HLV Philippe Troussier bị sa thải.

"Những gương mặt mới tạo nên sự thay đổi và giờ đây chúng tôi có thể thắng Việt Nam", Sinullinga kết luận, và cười như chế nhạo những người phản đối việc nhập tịch.

Hiếu Lương