“Thật tình tôi rất áy náy khi biết tin mình được nhận bằng khen của UBND TP.HCM. Tôi thiết nghĩ việc mình làm vừa qua chỉ là bổn phận của một người dân bình thường trong nước Việt Nam”- GS.TS Lê Ngọc Thạch chia sẻ.

Giáo sư Lê Ngọc Thạch: 'Rất áy náy khi biết mình được nhận bằng khen của TP.HCM'  第1张

Thừa ủy quyền, phân công của UBND TP.HCM, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải (bên trái) trao bằng khen cho GS.TS Lê Ngọc Thạch - Ảnh: AN VI

Sáng 27-9, tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, thừa ủy quyền, phân công của lãnh đạo UBND TP.HCM, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải đã trao bằng khen của UBND TP.HCM cho GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).

trao bang khen giao su Thach

Áy náy khi nhận bằng khen

Vẫn bộ đồ quen thuộc đã phai màu như ngày GS.TS Lê Ngọc Thạch cầm quyển sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhưng lần này ông không được tự tin như lần ông gửi gắm tấm lòng đến đồng bào miền Bắc.

Nhận bằng khen của UBND TP.HCM, GS.TS Lê Ngọc Thạch không giấu được sự bối rối. Ông nói mình chỉ quen giảng bài với những phản ứng hóa học, chứ không biết nói gì nhiều khi tấm lòng của mình được ghi nhận, biểu dương.

“Thật tình tôi rất áy náy khi biết tin mình được nhận bằng khen của UBND TP.HCM. Tôi thiết nghĩ việc mình làm vừa qua chỉ là bổn phận của một người dân bình thường trong nước Việt Nam”, ông bộc bạch.

Giáo sư Lê Ngọc Thạch: 'Rất áy náy khi biết mình được nhận bằng khen của TP.HCM'  第2张

GS.TS Lê Ngọc Thạch nói mình áy náy khi nhận bằng khen của UBND TP.HCM - Ảnh: AN VI

Ông cho biết mình không hãnh diện vì đã đóng góp 1 tỉ đồng, nếu có thì chỉ xem như bản thân đã góp phần vào tính chính danh trong việc phát triển bền vững của đất nước.

“1 tỉ đồng có thể là lớn đối với người thu nhập qua công sức thật sự, nhưng với thiệt hại trầm trọng mà thiên tai đã gây ra đối với đồng bào miền Bắc, như tôi đã nói, 1 tỉ đồng chẳng có nghĩa lý gì cả, một hạt cát thôi!”, ông xúc động.

Ông Thạch nói mình quê ở Vĩnh Long, không có người thân ngoài miền Bắc, nhưng thiệt hại do bão lũ gây ra là thiệt hại của đồng bào mình.

“Giáo sư, tiến sĩ nói đó chỉ là chữ nghĩa với đồng nghiệp và học sinh. Còn đối với miền Bắc, tôi là một con em trong đại gia đình người Việt. Cho nên giúp đỡ gia đình mình được việc gì tôi luôn cố gắng trong khả năng mà mình có”, vị giáo sư 76 tuổi nghẹn giọng.

Ông không nói về phần công của mình, chỉ gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo UBND TP.HCM, Thành Đoàn và báo Tuổi Trẻ đã làm cầu nối giúp ông chuyển “hạt cát” của mình đến miền Bắc.

Ông hy vọng báo Tuổi Trẻ sẽ tính toán sử dụng hiệu quả tấm lòng của ông cũng như nhiều bạn đọc đã gửi gắm, giúp đồng bào miền Bắc sớm khắc phục hậu quả của thiên tai.

“Nhất là khi gió đã ngừng thổi, nước đã dừng dâng, nhưng bà con vẫn còn nhiều khó khăn, mong quý báo sẽ hỗ trợ được nhu cầu của bà con”, thầy gửi gắm như vậy.

Câu chuyện của ông Thạch hôm nay khép lại nhưng sẽ vẫn được nhắc đến như một hành động cao đẹp thắm “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Hành động đặc trưng của TP.HCM nghĩa tình

Anh Ngô Minh Hải - bí thư Thành Đoàn TP.HCM - thừa ủy quyền, phân công của lãnh đạo UBND TP.HCM đến trao bằng khen cho GS.TS Lê Ngọc Thạch.

Anh Hải cho biết hành động của thầy Thạch là nghĩa cử cao đẹp, có sức lan tỏa cho người dân thành phố và tạo cảm hứng lớn gắn kết đồng bào lại với nhau trong những ngày gian khó.

“Và đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cho tính chất đặc trưng nghĩa tình của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Dù ở bất kỳ cương vị, vị trí nào cũng dành sự đóng góp, sẻ chia của mình hướng về đồng bào gặp hoạn nạn”, anh Hải chia sẻ.

Giáo sư Lê Ngọc Thạch: 'Rất áy náy khi biết mình được nhận bằng khen của TP.HCM'  第3张

Anh Ngô Minh Hải hỏi thăm GS.TS Lê Ngọc Thạch - Ảnh: AN VI

Qua hành động cao đẹp của thầy Thạch, bí thư Thành Đoàn TP.HCM cũng hy vọng sẽ tạo được niềm tin cho các cá nhân, đơn vị đóng góp vào các hoạt động của Thành Đoàn và báo Tuổi Trẻ.

Thay mặt Thành Đoàn và UBND TP.HCM, anh Hải gửi lời cảm ơn và mong muốn GS.TS Lê Ngọc Thạch sẽ tiếp tục quan tâm, đóng góp cũng như góp ý với các hoạt động chung của báo Tuổi Trẻ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Tại buổi lễ, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết sự tin tưởng của GS.TS Lê Ngọc Thạch là niềm vui rất lớn của báo và cũng phần nào lý giải tại sao Tuổi Trẻ lại nhận được hàng nghìn lượt đóng góp của bạn đọc với số tiền hơn 21 tỉ đồng.

Ông Lê Xuân Trung cho biết: “Báo Tuổi Trẻ đã thiết kế hai chương trình, thứ nhất là chương trình truyền thông trên mặt báo nhằm đưa nhanh thông tin, hình ảnh bà con vùng bão lũ đến với bạn đọc cả nước. Chương trình thứ hai là tái thiết những nơi bị thiệt hại nặng do bão lũ.

Để thực hiện thành công song song cả hai chương trình là nhờ sự tin tưởng, ủy nhiệm của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là của GS.TS Lê Ngọc Thạch”.

Giáo sư Lê Ngọc Thạch: 'Rất áy náy khi biết mình được nhận bằng khen của TP.HCM'  第4张

Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết sự tin tưởng của GS.TS Lê Ngọc Thạch là niềm vinh dự rất lớn của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: AN VI

Theo ông Trung, hiện nay báo Tuổi Trẻ đang thiết kế nhiều công trình tái thiết, phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành và địa phương để có thể sử dụng hiệu quả đóng góp của bạn đọc cho đồng bào vùng lũ, ngoài việc cứu trợ khẩn cấp.

Cụ thể là tập trung hỗ trợ, tái thiết trường học, giúp đỡ thầy cô giáo và học sinh sớm trở lại trường.

Dịp này, thay mặt ban biên tập báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Xuân Trung gửi lời cảm ơn đến UBND TP.HCM đã kịp thời ghi nhận, biểu dương GS.TS Lê Ngọc Thạch cũng như đồng bào thành phố đã chung tay góp sức ủng hộ cho miền Bắc đang gánh chịu những hậu quả của thiên tai bão lũ.