Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị bổ sung khái niệm 'siêu đô thị' trong quy hoạch thành phố thuộc thành phố.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Ảnh: GIA HÂN
Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phát triển đô thị tràn lan, không có giao thông nên không có người ở
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị bổ sung khái niệm "siêu đô thị" trong quy hoạch thành phố thuộc thành phố.
Đại biểu lý giải trước đây có thành phố trực thuộc tỉnh nhưng hiện nay có thành phố thuộc thành phố, tên gọi như vậy sẽ nhầm lẫn.
"Vậy có nên đưa một khái niệm như "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này để tránh tình trạng phải gọi thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Hay sau này sẽ có thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng hay thành phố Mê Linh - Hà Nội có từ "thủ đô" rất riêng biệt.
Như nước ngoài, tiếng Anh người ta dùng từ "metropolis" là "siêu đô thị". Chúng ta xem có nên đưa khái niệm này vào hay không?
Đại biểu Quốc hội lo 'băng nhóm' sử dụng người dưới 18 tuổi đòi nợ thuê, hủy hoại tài sảnĐỌC NGAY
Chúng ta có quy định 6 loại đô thị, trong đó có loại đô thị đặc biệt. Những đô thị đặc biệt có nên gọi "metropolis" không hay gọi là "siêu đô thị".
Vấn đề này nên xem xét để sau này những TP khác như TP Hải Phòng mà có TP trực thuộc sẽ được nâng lên thành siêu đô thị", ông Huân nêu quan điểm.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu hiện nay hay nói đến vấn đề đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển giao thông đi trước để định hướng cho phát triển đô thị.
Ông cho rằng nếu phát triển giao thông đi trước sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề. Cụ thể, không còn tình trạng phát triển đô thị tràn lan xong sau đấy không có giao thông cho nên không có người ở.
Thêm vào đó, khi có người ở rồi gây bức xúc giao thông và Nhà nước phải bỏ tiền ra để giải quyết vấn đề về hạ tầng. Như vậy vừa lãng phí chi phí ngân sách nhà nước, vừa gây ra những vấn đề tốn kém cho xã hội.
Ông chỉ rõ nếu phát triển giao thông đi trước thì khi đô thị phát triển lên người dân đến ở ngay, không còn xảy ra tình trạng bỏ hoang và đồng thời giá trị đất đai tăng lên do có giao thông thì được tập trung vào ngân sách nhà nước, không rơi vào tay tư nhân.
"Chính vì vậy, tôi đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch cần phải chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, phải thực hiện các quy hoạch về hạ tầng đi trước, sau đó mới quy hoạch về đô thị.
Điều này tránh tình trạng như hiện nay chúng ta thấy rằng cứ đi xin đất để làm đô thị trước, còn sau đấy hạ tầng không có", ông Cường nêu.
Cần quy định rõ cơ quan thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn
Từ ý kiến của các đại biểu về vấn đề bán đô thị, nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, siêu đô thị…, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng các vấn đề này chưa có thực tiễn.
Do đó Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thêm để quy định, nếu hiện đưa vào luật các nội dung này sẽ rất khó.
Về trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị bổ sung quy định rõ cơ quan thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cơ quan tổ chức lập hoặc được giao trách nhiệm lập quy hoạch đô thị và nông thôn là các cơ quan độc lập với nhau. Việc này theo ông Thông nhằm minh bạch, khách quan, chống lợi ích nhóm trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch.
Giải trình sau đó, liên quan đến ý kiến giải thích từ ngữ nội thành, nội thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay đây là khái niệm liên quan đến phát triển đô thị cũng như phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính.
Đối với nội dung này là không thuộc phạm vi, đối tượng lập quy hoạch, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Hiện nay đối với quy định về nội thị, nội thành hay ngoại thành, ngoại thị được quy định rõ tại nghị quyết 1210, nghị quyết 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phân loại đô thị, và các nghị quyết liên quan đến phân loại đơn vị hành chính.
Ông nói nội dung này sẽ được làm rõ và quy định tại Luật Quản lý phát triển đô thị, mà trong chương trình sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Liên quan đến ý kiến về loại đô thị, ông Nghị nêu trong tờ trình của Chính phủ đề xuất chính sách xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị đã có đề cập đến nội dung này và sẽ cụ thể hóa trong dự luật sẽ trình Quốc hội.
Đăng thảo luận