Khi nguồn thu phụ thuộc quá nhiều, học phí vô tình trở thành rào cản đến giảng đường của nhiều sinh viên nghèo.
"Tôi là 8X đời đầu, trúng tuyển đại học là niềm vui và sự tự hào không chỉ của bản thân, bố mẹ mà ở một số vùng, đôi khi đó là niềm tự hào của cả họ. Mỗi thí sinh đều có một phương pháp học và ôn thi riêng, phù hợp với vùng miền, hoàn cảnh gia đình và sức khỏe bản thân.
Tôi là một người không thông minh, nên chiến lược ôn thi đại học của tôi là cố gắng học và ôn tất cả các dạng bài, cẩn thận trong từng phép tính. Ở Hà Nội thời đó, các trường đại học được phép ra đề thi riêng. Vì vậy, tôi đăng ký ôn thi tại các lò luyện gần trường với hy vọng nắm được các dạng đề của trường.
Trời mùa hè, nắng như đổ lửa, lớp học là các nhà cấp bốn với hàng trăm học sinh ngồi chen chúc. Ai cũng cố gắng đi sớm để ngồi gần thầy, gần bảng. Cứ như vậy, áp lực thi cử dường như xua tan cái nóng của mùa hè.
Càng gần đến kỳ thi, ánh đèn bên bàn học càng khuya hơn như muốn thắp sáng ước mơ vào đại học của tất cả học sinh chúng tôi thời ấy. Giờ đây, các con có nhiều sự lựa chọn hơn, dễ dàng hơn chúng tôi thời đó.
Đó là tiến bộ của xã hội, phản ánh đúng quy luật cung-cầu của thị trường và nhu cầu chính đáng của con người là được học.
Hy vọng, các trường đại học, bên cạnh chỉ tiêu kinh doanh (doanh số, lợi nhuận), cũng không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới mục tiêu đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Độc giả lehoangduong bình luận như trên, sau bài viết 10 đại học có doanh thu nghìn tỷ. Theo đó, 6 trường đại học công lập và 4 trường tư thục có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên, trong đó hai trường đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Bạn đọc nickname mthai7574 nêu bốn câu hỏi:
"1. Thường thì doanh thu sẽ đi đôi với đầu tư và phát triển (gọi tắt là "xài tiền") - thế thì có cần báo cáo rõ ràng cho việc đầu tư này không? Mới nghe doanh thu khủng thì vui nhưng sau đó ta có gì?
2. Học phí chiếm cao nhất trong doanh thu, chẳng lẽ ta dựa vào thế bắt buộc này của học sinh, sinh viên mà cứ để học phí chiếm cao nhất mỗi năm như vậy? Có nên xem xét các điều kiện của học sinh, sinh viên mà điều chỉnh học phí tăng giảm hợp lý?
3. Đánh giá việc đầu tư (từ doanh thu này) trên cơ sở chất lượng cũng như kết quả dạy và học, và trên hết là cơ sở vật chất có tương xứng không?
4. Đừng để doanh thu này chỉ dành cho việc tăng lương, mà phải dùng để hiện đại hóa cả về vật chất lẫn con người".
Một số chuyên gia nhận định việc đại học đạt doanh thu cao là điều đáng mừng. Điều này giúp các trường phát triển đội ngũ, hạ tầng và cơ sở vật chất, tăng thu nhập giảng viên và đầu tư cho sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.
Tuy nhiên, nguồn thu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào học phí, trong khi học phí ngày một tăng, phần nào gây áp lực với người dân.
Độc giả myduyen cho rằng nghiên cứu khoa học nên được xem là nguồn thu chính và cũng là động lực để sinh viên và giáo viên cùng tham gia nghiên cứu khoa học, thay vì học phí:
"Rất mừng khi biết một trường đại học đã tăng được nguồn thu nhờ nghiên cứu khoa học. Đây nên là nguồn thu chính và là động lực cho sinh viên, giáo viên tham gia nghiên cứu.
Các trường đại học phải xây dựng phương pháp dạy để sinh viên có thể tham gia vào học tập và nghiên cứu cùng giáo viên. Hiện nay, các trường chưa làm được điều này. Để làm được, ngoài việc nhà trường liên hệ với doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng nên đầu tư cho nhà trường bằng các công trình nghiên cứu, thay vì chỉ đầu tư cho doanh nghiệp".
Doanh thu của các đại học đến từ bốn nguồn: ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc....
Học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất. Trong 5 trường đã công khai cụ thể nguồn thu, 4 trường thu hơn nghìn tỷ đồng từ riêng học phí. Tỷ lệ học phí trong tổng thu của một số trường lên tới hơn 98%.
Độc giả Nguyen Ngoc Oanh đồng quan điểm khi cho rằng các trường đại học nên tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:
"Tôi nghĩ cơ quan quản lý cần tạo cơ chế thông thoáng hơn để các trường đại học có thể tăng thu từ phần nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Khi nào các trường đại học nghiên cứu được nhiều và ứng dụng được nhiều, thì học phí cũng sẽ giảm, nền kinh tế cũng phát triển hơn.
Các trường mà không chịu nghiên cứu khoa học mà chỉ muốn mở thêm khoa, nhận thêm sinh viên, tăng thêm học phí thì nên hạn chế lại".
"Nên có cơ chế hợp tác, đào tạo theo địa chỉ và yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, cùng với cơ chế hợp tác nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp để tăng nguồn thu và giảm học phí.
Các nước làm được, thì mình cũng làm được thôi. Hơn nữa, cần có nhiều học bổng toàn phần cho sinh viên giỏi, đặc biệt là ở bậc sau đại học. Việc học ở bậc sau đại học nên theo kiểu không mất tiền mà còn được hưởng lương nghiên cứu như ở nước ngoài.
Đội ngũ giảng viên nước ta không hề kém so với các nước khác. Nhưng vì chi phí học tập quá tốn kém, nên sinh viên giỏi thường tìm học bổng để du học nước ngoài, thậm chí là ở lại luôn, dẫn đến câu chuyện 'chảy máu chất xám'", độc giả cuonggs.7651 nói.
Thành Đô tổng hợp
Đăng thảo luận