TP HCMTrẻ ở Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành một phần do sự buông lỏng quản lý từ địa phương, theo Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Thông tin được ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, nói tại cuộc họp cung cấp thông tin việc nhiều trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, quận 12, bị bạo hành, chiều 4/9.
Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 12 cấp phép hoạt động ngày 7/7/2023; với chức năng, nhiệm vụ trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang.
Theo ông Minh, mái ấm được nhận tối đa 39 trẻ nhưng đã tiếp nhận 85 cháu, trong đó có 15 trẻ sơ sinh (dưới một tuổi) chưa đầy đủ giấy tờ. "Cơ sở do quận 12 cấp phép nên việc tiếp nhận này đơn vị phải chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương", ông Minh nói.
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM tại buổi họp báo chiều 4/9. Ảnh: Lê Tuyết
Hiện, TP HCM có 79 cơ sở bảo trợ xã hội, 16 công lập, 63 cơ sở ngoài công lập do thành phố và địa phương cấp phép. Phần lớn các đơn vị thực hiện theo tiêu chí an toàn, khỏe mạnh cho các bé. Hàng tháng, quý, đơn vị quản lý đều có báo cáo từ các cơ sở, mái ấm nhưng chưa từng ghi nhận phản ảnh hay khuyến cáo gì về sự an toàn, chăm sóc trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng.
"Tiêu cực lần này có sự buông lỏng quản lý từ địa phương. Chúng tôi rất tiếc đã để lọt lưới hành vi nghiêm trọng như vậy", ông Minh nói, thêm rằng công an đã mời chủ cơ sở và 16 nhân viên gồm bảo vệ, lái xe... lên làm việc; kể cả thu chi của Mái ấm Hoa Hồng đang được làm rõ. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên công an chưa cung cấp thông tin.
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, rất đáng tiếc; những tổ chức, cá nhân liên quan "chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh, không bao che". Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cảnh bảo mẫu hành hạ các bé vài tháng tuổi. Ảnh: Thanh Niên
Bà Nguyễn Thành Phụng, Phó phòng Chăm sóc trẻ em – Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết từ 16h hôm nay toàn bộ 85 trẻ em đã được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội công lập là Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND quận 12 cùng các đơn vị nghiên cứu đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai vì có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em; nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em tái diễn. Bên cạnh đó, trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng cũng đang được làm rõ.
Trước đó, điều tra của báo Thanh Niên và hình ảnh trên một số trang mạng phản ánh bảo mẫu tại đây chăm sóc nhiều trẻ sơ sinh đến vài tháng tuổi. Hàng đêm, các bé bị người đàn bà 47 tuổi và một số bảo mẫu đánh, xách tay chân, ném, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp; có bé bị đánh chảy máu miệng...
Trong sáng nay, Công an quận 12 phối hợp các cơ quan chức năng mở cuộc điều tra về hoạt động của mái ấm. Bước đầu, nhà chức trách xác định có việc trẻ bị bạo hành; hành vi này xảy ra nhiều lần, do các nhân viên tại đây thực hiện.
Mái ấm Hoa Hồng bị cảnh sát kiểm tra sáng 4/9. Ảnh: Nhật Vy
Cơ sở này từng là khách sạn, hơn một năm nay được đổi thành Mái ấm Hoa Hồng, được truyền thông là nơi "cưu mang các thai phụ, người già có hoàn cảnh khó khăn; sinh viên học sinh mang thai ngoài ý muốn...". Trên Facebook, Youtube có nhiều video giới thiệu về cơ sở này và kêu gọi từ thiện.
Chiều nay, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM nhanh chóng kiểm tra, xác minh vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng theo phản ánh của báo chí. Chính quyền thành phố cần thực hiện khẩn cấp biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở này.
Bộ cũng yêu cầu UBND TP HCM điều tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền trẻ em và các quy định về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nêu trên và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Việc báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 6/9.
Chính quyền thành phố được yêu cầu rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn, báo cáo trước ngày 6/11 để Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Lê Tuyết - Quốc Thắng - Hồng Phương
Đăng thảo luận